Mặc dù Bộ Công an luôn khẳng định thủ tục không hề phức tạp nhưng từ những phiền toái của nhiều người được cấp CCCD từ năm 2016 mà thông tin cấp đại trà đó đang khiến bộn người lo lắng.
Trải qua thời gian dài sử dụng CMND, đông đảo người dân đã được cấp rất nhiều giấy tờ quan trọng dựa theo số CMND. Nào là hộ khẩu; giấy chứng nhận kết hôn; giấy chủ quyền nhà, đất; số tài khoản ngân hàng; sổ tiết kiệm... Do số cũ, mới không trùng khớp nên khi muốn được giải quyết các thủ tục hành chính hay làm các việc khác có liên quan đến những loại giấy tờ thiết thân đó, chủ nhân của các CCCD bắt buộc phải có sự xác nhận về số CMND đã dùng trước đó.
Theo đó, lý ra chỉ dùng một giấy tờ tùy thân duy nhất để thực hiện mọi giao dịch như đã từng được làm đối với CMND thì nhiều người phải ôm cùng lúc hai loại giấy, vừa CCCD vừa giấy xác nhận số CMND cũ. Cũng từ đây nhiều người phải chạy bở hơi tai để đáp ứng những đòi hỏi vô lý ăn theo của một số cơ quan, đơn vị như phải sao y cả hai thứ giấy để nộp kèm vào hồ sơ...
Cấp thẻ mới tiếng là để ưu việt hơn mà sao người dân khổ dữ vậy!
Nhiều người dân phản ánh sự rắc rối, phiền phức khi sử dụng căn cước công dân phải kèm với xác nhận số CMND cũ. Ảnh: VÕ PHẠM
Với việc đổi CMND sang CCCD, ai nấy đều hình dung được những trở ngại phải đối mặt do có nhiều giấy tờ đã được cấp theo CMND nên ắt hẳn Bộ Công an cũng nhận ra trước mọi việc. Vậy Bộ Công an đã làm gì để giảm thiểu đáng kể các hệ lụy cho hàng chục triệu người? Nay khi thực tế cho thấy lo ngại đó đã thành hiện hữu thì Bộ Công an sẽ làm gì để giải quyết thỏa đáng cho dân đây?
Rất không vui khi theo phát biểu của một cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) trênPháp Luật TP.HCMngày 30-11, chuyện in số CMND lên CCCD để dân có thể dễ dàng giao dịch bằng CCCD từng được Bộ Công an đặt ra. Thế nhưng việc này “không thể triển khai được” và giờ cũng không thay đổi gì được.
Lý do được vị cục phó nêu là CCCD không có đủ chỗ để in số, ngày cấp, nơi cấp. Cũng theo vị cục phó này thì giấy xác nhận hiện được cấp dễ dàng để người dân xuất trình khi giao dịch hoặc khi cần xin điều chỉnh số CMND thành số CCCD trên các giấy tờ được cấp trước đây.
Từ hai lý do này mà thông tư mới của Bộ Công an (số 40/2019) tiếp tục đưa ra hai cách thức xử lý trong việc chuyển từ CMND chín số, 12 số sang CCCD. Nếu CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét về ảnh, số và chữ thì cùng với việc thu lại để hủy bỏ, cơ quan công an sẽ cấp cho người dân giấy xác nhận số CMND. Trường hợp CMND còn rõ nét thì người dân sẽ được giao lại CMND có cắt góc phía trên bên phải mặt trước. Có nghĩa là kiểu nào thì người dân cũng phải sử dụng đồng thời hai thứ giấy để giao dịch.
Một cựu trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình (TP.HCM) đã có những phản ứng khá xác đáng về việc CCCD không ghi số CMND cũ. Ông kể: “Khi tiến hành cấp số nhà mới ở một số khu vực trên địa bàn, quận này thấy được ngay và cũng đã hành động ngay để dân không gặp khó với những thay đổi trong công tác quản lý nhà nước. Quyết định cấp số nhà mới của quận có ghi cả số nhà cũ. Đồng thời thông tin về số nhà cũ, mới cũng được quận gửi đến nhiều cơ quan chức năng để các nơi này có căn cứ giải quyết nhanh cho dân các thủ tục có liên quan”.
Đối chiếu cách làm cụ thể từ hồi nảo này với việc cấp CCCD thời nay sẽ thấy sự tắc trách của Bộ Công an đối với rất nhiều người ở chỗ ngay từ đầu đã không quyết tâm làm bằng được chuyện ghi số CMND (cùng ngày, nơi cấp) trên CCCD để số đông được thuận tiện nhất.
Theo Luật CCCD, từ số định danh cá nhân cũng là số CCCD, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quyền hạn của mình được truy cập cơ sở dữ liệu CCCD (trong đó có thông tin về số, ngày, tháng, năm và nơi cấp CMND) để xử lý công việc. Ngặt nỗi cơ sở dữ liệu này hiện chưa có đủ và cũng chưa biết khi nào mới có đủ. Rồi cơ quan, tổ chức nào mới có quyền khai thác cơ sở dữ liệu đó cũng chưa rõ.
Vậy nên cách khắc phục thiếu sót hữu hiệu là Bộ Công an cần thay phôi CCCD mới để có chỗ ghi số CMND cũ cùng ngày, nơi cấp. Qua đó bộ có thể lấy lại được niềm tin là có đủ trách nhiệm để làm hài lòng rất đông người đổi CMND sang CCCD.