Gặp phiền phức khi sử dụng căn cước công dân

Từ đầu năm 2016, căn cước công dân (CCCD) được triển khai cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Sau gần ba năm thực hiện, việc chuyển từ CMND sang CCCD vẫn còn gây không ít phiền hà cho người dân.

Đau đầu vì phải chứng minh số CMND cũ

Được cấp CCCD từ tháng 6 năm nay nhưng theo anh Nguyễn Văn Phú (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) thì việc sử dụng CCCD đã đem đến cho anh không ít phiền phức.

Sau khi được cấp CCCD mới, anh Phú đã sử dụng CCCD để thực hiện các giao dịch của ngân hàng và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hầu hết giao dịch đều gặp rắc rối vì các giấy tờ trước đây của anh Phú đều ghi theo CMND cũ.

“Khi thực hiện các giao dịch giấy tờ, họ bắt phải xuất trình giấy tờ chứng minh số CMND cũ và số CCCD mới là cùng một người” - anh Phú nói.

Đến đây, anh Phú đành quay trở lại cơ quan cấp CCCD để xin xác nhận lại số CMND cũ. Có được giấy xác nhận số CMND cũ, song anh Phú cho biết lại phát sinh thêm nhiều thủ tục rườm rà khác.

 “Nhiều nơi còn yêu cầu tôi sao y, chứng thực bản sao giấy xác nhận để họ lưu lại. Tôi phải sao y, chứng thực rất nhiều bản sao giấy xác nhận số CMND cũ để dành sử dụng dần. Thật sự tôi mất rất nhiều thời gian, công sức chỉ để chứng minh số CMND cũ kia và số CCCD này là của tôi” - anh Phú phàn nàn.

Một trường hợp khác, chị Phạm Thị Trúc (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại gặp khó khăn khi làm thủ tục xin cấp CCCD. Lý do là CMND cũ và sổ hộ khẩu của chị chỉ ghi năm sinh mà không có ngày tháng sinh. Do không có ngày tháng sinh nên cán bộ phụ trách hướng dẫn chị Trúc cần có giấy khai sinh để bổ sung thông tin vào hộ khẩu.

May mắn, giấy khai sinh của chị có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh và chị Trúc thực hiện được thủ tục điều chỉnh sổ hộ khẩu (thêm ngày tháng sinh), rồi mới được làm thủ tục cấp CCCD.

“Theo tôi, cán bộ chỉ cần yêu cầu tôi xuất trình giấy khai sinh để bổ sung thông tin trong tờ khai cấp CCCD là được. Việc phải điều chỉnh lại sổ hộ khẩu thì phiền phức quá” - chị Trúc bày tỏ.

Nhiều người dân lo ngại việc sử dụng các giấy tờ liên quan đến số CMND cũ sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang CCCD. Ảnh: VÕ PHẠM

CCCD nên thể hiện số CMND cũ

Trước các vướng mắc trên, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 19 Luật CCCD thì số CCCD là số định danh cá nhân.

Tuy nhiên, số định danh cá nhân này so với số CMND cấp trước đây gần nhưng không có sự liên kết, kế thừa nào về nguyên tắc đánh số. Do đó, số CCCD và số CMND là hoàn toàn khác nhau.

“Theo quy định, khi cấp CCCD, cơ quan cấp CCCD sẽ cấp giấy xác nhận số CMND trước đó. Giấy xác nhận này có những trường hợp phải theo người được cấp cho đến hết đời. Thậm chí con cháu họ vẫn phải tiếp tục sử dụng đến nó nếu như người chết để lại tài sản mà trên tài sản đó có thể hiện số CMND của họ” - luật sư Hoan nhận định.

Vô tình giấy xác nhận số CMND là một loại giấy tờ tùy thân, trong khi giấy này chỉ làm để mang tính chất tạm thời trong thời gian giao thoa giữa CCCD và CMND cũ. Việc này dẫn đến nhiều phiền hà, khi người dân phải cố gắng chứng minh người có số CMND cũ và số CCCD mới là một.

Theo luật sư Hoan, để đảm bảo tính kế thừa, liên tục, tránh phiền hà cho người dân và cả cơ quan quản lý thì cơ quan có thẩm quyền nên xem xét lại việc cấp CCCD theo hai hướng.

Thứ nhất, CCCD hiện nay là 12 số trong khi CMND là chín số, do đó có thể giữ nguyên chín số của CMND trong CCCD, ba số đầu cấp theo nguyên tắc chung.

Thứ hai, trên CCCD nên thể hiện số CMND cũ để người dân tiện thực hiện các giao dịch có liên quan đến số CMND cũ.

Bên cạnh đó, theo các quy định hiện hành, những thông tin ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu là căn cứ để cấp CCCD. Do vậy, tất cả trường hợp thiếu thông tin đều phải điều chỉnh, bổ sung vào sổ hộ khẩu mới được cấp CCCD. Người dân sẽ phải mang giấy khai sinh đến cơ quan công an, nơi đăng ký hộ khẩu để được điều chỉnh sổ hộ khẩu.

“Trong trường hợp này, cần một quy định hướng mở theo hướng cho phép công dân xuất trình giấy khai sinh tại cơ quan cấp CCCD để bổ sung thông tin, không cần điều chỉnh thêm trên sổ hộ khẩu. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục cho người dân” - luật sư Hoan đề xuất.

Thủ tục làm căn cước công dân rất đơn giản

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Đội Quản lý hành chính - trật tự xã hội, công an một quận tại TP.HCM cho biết: Hiện nay về thủ tục cấp đổi CCCD rất đơn giản. Cụ thể, nếu công dân có nhu cầu cấp đổi từ CMND sang CCCD thì chỉ cần mang hộ khẩu đến là làm được.

Trường hợp công dân mất CMND thì cũng không cần làm đơn cớ mất, chỉ cần cầm hộ khẩu đến báo mất thì sẽ được thực hiện thủ tục cấp đổi CCCD cho công dân.

Theo quy định trước đây, khi người dân cấp đổi từ CMND sang CCCD, tại tờ khai cấp đổi CCCD sẽ có mục công dân yêu cầu được cấp giấy xác nhận số CMND cũ. Nếu người dân có nhu cầu cấp giấy xác nhận thì chỉ cần đánh dấu vào ô đồng ý.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, phần lớn các quận, huyện cấp luôn giấy xác nhận cho người dân dù họ không yêu cầu.

Hiện nay, với quy định hiện hành là Thông tư 40/2019 (có hiệu lực ngày 18-11-2019, sửa đổi, bổ sung Thông tư 07/2016) thì khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD, cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số CMND đối với tất cả trường hợp chuyển từ CMND chín số sang CCCD.

 “Việc các đơn vị ngân hàng yêu cầu người dân khi làm thủ tục phải phôtô thêm CMND cũ, kèm giấy xác nhận số CMND và CCCD là một yêu cầu không cần thiết. Bởi khi cơ quan công an đã cấp giấy xác nhận số CMND cũ và số CCCD mới là của một người thì cơ quan này đã chịu trách nhiệm về phần rủi ro. Các cơ quan khác đừng nên làm khó người dân” - vị đại diện trên cho biết.

NGUYỄN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm