Chị phân bua với những người xung quanh: "Tôi chọn hai con cá còn sống, quẫy đuôi bùm bụp, đưa cho hai ông này để làm cá. Mà mắt trước mắt sau thế nào, trong lúc làm họ đổi một con thành cá bé hơn, còn một con là cá chết". Sau một hồi tranh cãi, chủ hàng cá đành nhân nhượng và hứa sẽ làm lại cho chị hai con khác. Nhưng "cục tức" đã dâng tận cổ rồi nên chị Thu quyết định sang hàng khác mua, không trả tiền cho hai con cá đã làm.
Chị Thu không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu tráo hàng ở chợ. Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, một thành viên bức xúc kể chủ nhật tuần trước, chị đi mua và chọn được 4 con lươn tươi về nấu cháo cho con ăn. Về đến nhà, mở ra thì thấy 2 con đã bốc mùi. Mang lươn ra tận nơi mua hỏi lại, người bán chối quanh, nhưng những tiểu thương gần đó cho biết tráo đồ tươi với đồ ươn đã là chiêu quen thuộc của bà bán hàng trên.
Cân điêu, bán thiếu là một trong những chiêu gian lận phổ biến nhất của các tiểu thương ở chợ. Ảnh: Ngọc Bích
Còn bà Sâm ở Đống Đa thì một tình huống khác khiến bà thề không bao giờ quay lại một hàng bán đồ hải sản tôm cua cá ở chợ Ngô Sĩ Liên. Hôm đó bà mua một cân sò huyết về làm bữa nướng cho cả nhà. Khi mua, bà đã cẩn thận cảnh báo người bán hàng là phải cân đủ vì ở nhà cũng có cân để kiểm tra. Tưởng "dọa" thế thì sẽ được bán đúng, ai ngờ sò mang về nhà cân lại thiếu hẳn lạng rưỡi. Không tặc lưỡi bỏ qua như những người khác, bà Sâm xách luôn sò ra chợ đòi lại đầy đủ số tiền bị cân thiếu. Chuyện cân "điêu" như trên là một trong những chiêu gian lận phố biến nhất và chưa có hồi kết của các tiểu thương ở chợ. Chênh lệch phổ biến nhất là một đến 2 lạng trên một cân. Thậm chí có hàng còn sắm hẳn hai cái cân, một cân đúng và một cân thiếu để dùng khi "phù hợp". Một lần đi chợ Nhà Xanh ở đường Cầu Giấy mua hoa quả, chị Nguyễn Hoàng Hà, 34 tuổi, hỏi mua xoài Thái thì được "hét" giá 47.000 đồng một cân. Mặc dù biết bị đắt, nhưng đang cần mua quả ngon để đi biếu nên chị mặc cả: "Em sẽ không trả giá đồng nào, nhưng chị cân đúng và chọn 4 cân ngon giúp em nhé". Biết vớ được khách sộp nên cô bán hàng vui vẻ lôi từ sau thùng hàng ra một cái cân khác, đon đả nói: "Với em thì chị dùng cái cân này mới đúng, đấy em xem, lệch hẳn 4 lạng nhé". Mua bán xong, cô bán hàng còn dặn chị lần sau nhớ quay lại mua nhưng chị Hà bụng bảo dạ rằng "xin cạch". Nổi tiếng nhất nhì về nạn "cân điêu" tại Hà Nội phải nói đến chợ Ngã Tư Sở. Những khách hàng quen mua tại chợ này đều thuộc nằm lòng phương châm phải mặc cả giá thật sát, vì đằng nào cũng sẽ bị cân thiếu vài lạng một cân nên trả đúng giá thì càng thêm thiệt. Để đối phó với tình trạng cân điêu, ban quản lý các chợ từng một thời rầm rộ phong trào lắp đặt cân đối chứng để khách hàng kiểm tra. Tuy nhiên ở các khu chợ hiện nay hầu như không một cái cân đối chứng nào còn tồn tại, nếu có cũng đã rỉ sét hoặc phục vụ vào mục đích khác. "Nguyên nhân là ít người biết đến cái cân này, hoặc giả có biết cũng không nhiều người kỳ công vác hàng ra cân lại, ai mua xong cũng chỉ muốn nhanh nhanh về nhà", đại diện ban quản lý chợ Nghĩa Tân cho biết. Nhiều người bán hàng ở chợ cũng tự đánh mất khách vì tính "tham". Như chị Thanh Hải, nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên nói rằng đi mua hàng thường gặp phải những người bán "được voi đòi tiên". "Có khi tôi chỉ hỏi bó rau răm, nhưng họ cứ bảo mua thêm nữa đi, mua gì ít thế, rồi nhét luôn vào túi thêm bó hành, mùi. Cũng chả đáng bao nhiêu nhưng làm mình lần sau không muốn mua ở đó nữa", chị Hải chia sẻ. Theo Thanh Bình (VNE)