Cần gấp rút mở rộng hai đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận dù mới đi vào khai thác song đã quá tải, do đó cần gấp rút thực hiện giai đoạn 2.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã có kiến nghị lên Bộ GTVT về việc sớm thực hiện giai đoạn 2 của cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Có thể thấy, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thấy rõ những bất cập và mong muốn sớm mở rộng hai tuyến cao tốc này.

Tập đoàn Đèo Cả cho biết cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương đã không thu phí từ năm 2019 đến nay dẫn đến thiếu kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng làm cho chất lượng công trình xuống cấp.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xuống cấp và thường xuyên phải sửa chữa. Ảnh: ĐT.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xuống cấp và thường xuyên phải sửa chữa. Ảnh: ĐT.

Từ đó, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nhu cầu đi lại an toàn cho người dân. Đặc biệt gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi để kéo dài nhiều năm không được giải quyết.

Bên cạnh đó, lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc đã mãn tải bởi các tính toán đã thực hiện cách đây hơn 10 năm. Do đó, hai tuyến cao tốc không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện và không đảm bảo việc kết nối đồng bộ toàn tuyến ở khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã có 10 năm nay nhưng quá tải, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Xuân dù gọi là cao tốc nhưng đi lại cũng chỉ như đường lộ. Tương tự, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dù mới nhưng thực sự cũng mãn tải. Xe tải, ô tô chỉ đi với tốc độ thấp khi đi trên tuyến này.

"Chúng tôi rất ủng hộ việc mở rộng cao tốc này bởi các đoạn trên dù mới nhưng lại thường xuyên kẹt xe. Đặc biệt, hai làn xe không có làn khẩn cấp, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không chỉ vậy, tuyến đường được mở rộng cũng sẽ tiết kiệm về mặt thời gian chi phí vận tải, chi phí của các doanh nghiệp" - ông Xuân chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL cho rằng mặc dù ĐBSCL có nhiều điểm sáng trong bức tranh giao thông, với nhiều dự án là trục dọc, ngang cầu vượt sông lớn đã được đầu tư.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì ĐBSCL là vùng trũng về giao thông. Trong khi đó, giao thông về hàng hóa giữa ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam bộ - nơi có nhiều cảng lớn thì giao thông đường bộ đang rất thiếu. Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư cao tốc rất lớn.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho biết Bộ GTVT đã xác định sẽ đầu tư hơn 800 km đường cao tốc trong thời gian tới, ưu tiên giai đoạn 2025. Trong đó, cần giải quyết điểm tuyến giao thông lớn là TP.HCM và Cần Thơ.

Theo đó, việc mở rộng, triển khai giai đoạn 2 của hai đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là hoàn toàn hợp lý, cần quan tâm đầu tư, để tăng sức hút đầu tư vào khu vực này.

Do đó, đồng tiền để đầu tư vào giao thông là đồng tiền thực sự có sức hút. Tuy nhiên, khu vực này tương đối khó thu hút nhà đầu tư BOT còn đầu tư công cũng cần phải tính toán nhiều.

Có thể giao các địa phương có năng lực làm chủ đầu tư như dự án Trung Lương – Mỹ Thuận giao cho tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư đã mang lại kết quả nhất định.

Tiến sĩ Hiệp cho rằng phương thức triển khai và tiến độ một dự án giao thông rất quan trọng. Đơn vị quản lý, nhà thầu nên tránh việc khởi công xong để đó, chưa biết ngày hoàn thành.

Để tuyến cao tốc phát huy hiệu quả, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua phải sớm xây dựng các tuyến đường kết nối, đa phương thức giao thông để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc trục chính. Song song đó là xây dựng cụm đô thị, tạo ra không gian phát triển mới. Như vậy mới có thể phát huy hiệu quả thực sự của một dự án giao thông.

"Năng lực thi công của các đơn vị rất quan trọng, quyết định tiến độ dự án. Nhà nước cần đấu thầu, tuyển chọn nhà thầu thực sự có năng lực" - TS Hiệp nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm