Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) khi phát biểu thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội sáng 21-7 đã mở đầu bằng việc cảm ơn Quốc hội đã gỡ bỏ khu cách ly cho 19 đoàn đại biểu.
“Cho tôi cám ơn Quốc hội đã gỡ bỏ khu cách ly có khoảng 180 đại biểu. 19 đoàn với khoảng 180 đại biểu hầu hết đã được tiêm chủng, đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong khu này. Chúng tôi được QH bố trí “một cung đường, hai điểm đến” nên rất an toàn, chỉ đến Quốc hội và quay về khách sạn”, ông Ngân nói.
Tuy vậy, ông Ngân vẫn cảm thấy “chưa được an toàn vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh, có nhiều đường lây so với các biến chủng trước đây, trong đó có cả lây qua đường không khí". Vì vậy, ông Ngân mong tất cả các đại biểu Quốc hội nghiêm túc thực hiện 5K và các quy định của Quốc hội.
“Chúng ta phải cố gắng hy sinh đảm bảo sự an toàn, không chỉ trong khu cách ly này mà còn cả khi tiếp xúc bên ngoài”, ông Ngân khuyến cáo.
Về chương trình giám sát năm 2022, ông Ngân cho rằng: tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tốt, rút ra được nhiều bài học.
Ông Ngân cho rằng: COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì cần phải có kịch bản cho việc giãn cách, đi lại, bố trí nhân sự cho các đoàn giám sát. Ông đề nghị có một “danh sách mở” để khi cần thì cử đại biểu tham gia giám sát ở khu vực thuận tiện.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị giám sát gói hỗ trợ 62.000 tỉ năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ năm 2021. Ảnh: QH
Ông nhận định rằng: báo cáo giám sát của các đơn vị gửi về không bảo đảm chất lượng thì phải khắc phục bằng cách yêu cầu số liệu đầy đủ, gửi sớm cho các thành viên đoàn giám sát.
“Nếu được các báo cáo giám sát đó chúng ta sẽ nhờ thêm các cơ quan chuyên môn và chuyên gia lĩnh vực đó thẩm định, tư vấn thêm cho đoàn giám sát, để khi chúng ta giám sát có đầy đủ cơ sở thực tiễn, khoa học để giám sát hiệu quả”, ông Ngân nói.
Về “hậu giám sát”, ông Ngân trần tình rằng: báo cáo hậu giám sát rất ít, nên đại biểu nhiều khi không biết giám sát xong thì đơn vị, địa phương được giám sát thực hiện các yêu cầu của đoàn giám sát thế nào. Điều này đã được Ủy ban Thường vụ và Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thì cần được lưu ý triển khai, thực hiện.
Ông Ngân cũng đề nghị cần sớm xây dựng quy chế và quy trình cho đại biểu và tổ đại biểu Quốc hội khi thực hiện giám sát vì khi đại biểu muốn thực hiện quyền giám sát còn lúng túng.
Đại biểu Ngân đồng tình với 4 chuyên đề giám sát mà Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội. Ông cho đó là những chuyên đề cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng “có thêm một suy nghĩ” rằng: COVID-19 có từ năm 2020 rồi 2021 hiện nay hết sức khốc liệt, có thể tái đi tái lại cho đến 2022. Các nước đã tiêm chủng vẫn tái đi tái lại nên vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là rất quan trọng.
“Bên cạnh vấn đề thần tốc về vaccine thì cần giám sát gói hỗ trợ năm 2020 là 62.000 tỉ và năm nay là 26.000 tỉ. Rất mong Quốc hội xem xét”, ông Ngân kết thúc phát biểu.
4 chuyên đề dự kiến giám sát năm 2022 1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung. 2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành. Dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung. 3. Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1-7-2016 đến 1-7-2021. Dự kiến giao Ban Dân nguyện chủ trì tham mưu về nội dung. 4. Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung. |