Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng Internet, dự kiến năm 2015 đạt hơn 40 triệu người. Thực tế, hoạt động TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho người dùng Internet, họ có thể tiếp cận và lựa chọn hàng hóa trên toàn cầu, giảm chi phí về thời gian và tài chính, không phải qua trung gian… Tuy nhiên, lượng người tiêu dùng giao dịch điện tử rất ít, họ dè dặt khi mua hàng trên các sàn giao dịch TMĐT. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, là người bán và người mua không biết nhau nên không tin tưởng; tính năng các website TMĐT hạn chế, bảo mật thông tin thấp nên người tiêu dùng lo lắng giao dịch bị lợi dụng, bị mất hoặc tiết lộ thông tin cá nhân…
Hiện hệ thống chính sách quản lý đã được hình thành, dự thảo nghị định về TMĐT đang hoàn thiện. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế-Luật, vấn đề phát triển TMĐT ở Việt Nam còn nhiều trở ngại, trong đó lớn nhất là quyền lợi người dùng tham gia chưa được bảo vệ. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng như bản thân các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT phải có biện pháp cụ thể hơn, bám sát thực tế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh vấn đề hành lang pháp lý chặt chẽ, GS-TS Vương Thanh Sơn, ĐH British Columbia (Canada), lưu ý thêm một yếu tố cần thiết khác là tăng cường đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho ngành này.
Hội thảo trên diễn ra ngày 30-11 tại TP.HCM do ĐH Kinh tế-Luật, Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM và Hiệp hội TMĐT Việt Nam phối hợp tổ chức.
QUANG HUY