Cần hủy phán quyết liên quan đến ông chủ của Sunwah Pearl
Công ty TNHH Bay Water (Công ty Bay Water) có hai thành viên góp vốn gồm: Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate (D1) Limited (Công ty Sun Wah) chiếm tỉ lệ 90% và Công ty TNHH Đầu tư SATO (Công ty SATO) chiếm tỉ lệ 10%.
Bay Water với đại diện là ông Choi Koon Shum (Chủ tịch Tập đoàn Sunwah tại Hong Kong, từng là chủ tịch VinaCapital Việt Nam) và ông Choi Chun Sze Johnson (con trai ông Choi Koon Shum) đang làm chủ đầu tư dự án Sunwah Pearl tại 90 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Lập luận trái ngược của tòa phúc thẩm
Ngày 10-5-2016, hai thành viên đã cùng thông qua điều lệ công ty (sau đây gọi là điều lệ) và tại khoản 3 điều 23 quy định rõ: Bất kỳ sửa đổi nào đối với điều lệ đều đòi hỏi phải có sự chấp thuận của 100% thành viên hội đồng.
Dự án Sunwah Pearl của Công ty Bay Water tại 90 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: MINH CHUNG
Ngày 3-9-2019, ông Choi Chun Sze Johnson triệu tập Hội đồng thành viên (HĐTV) Bay Water yêu cầu sửa đổi điều lệ nhằm xóa bỏ quy định đòi hỏi tỉ lệ biểu quyết phải đạt 100%. Biên bản họp cùng ngày thể hiện rõ Công ty SATO không đồng ý với các nội dung sửa đổi điều lệ. Tuy nhiên, cuối cùng HĐTV Bay Water vẫn ra Nghị quyết 05 để thông qua việc sửa đổi điều lệ với 90% thành viên góp vốn tán thành (tức chỉ có Sun Wah).
Công ty SATO khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy Nghị quyết 05 và ngày 17-8-2020, TAND TP.HCM mở phiên họp sơ thẩm.
Tòa nhận định điểm c khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 cho phép điều lệ được quy định một tỉ lệ biểu quyết khác so với tỉ lệ 75% trong việc ban hành nghị quyết. Hiện điều lệ năm 2016 vẫn đang có hiệu lực, chưa được thay thế bằng điều lệ khác nên phải áp dụng điều lệ này. Do vậy, việc chỉ Công ty Sun Wah đồng ý thay đổi điều lệ, không đạt tỉ lệ 100% theo quy định tại điều lệ mà Công ty Bay Water đã thông qua Nghị quyết 05 là trái quy định của Luật DN và điều lệ.
Tại phiên họp, đại diện VKSND TP.HCM cũng có ý kiến giống với nhận định của tòa. Cuối cùng, TAND TP.HCM đã tuyên hủy Nghị quyết 05.
Do có kháng cáo nên ngày 8-1 mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm. Tại tòa, các bên chỉ giữ nguyên quan điểm, không cung cấp chứng cứ gì mới so với phiên sơ thẩm. Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM có ý kiến rằng Công ty Bay Water và Sun Wah không cung cấp chứng cứ chứng minh cho việc kháng cáo nên đề nghị giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Tuy nhiên, hội đồng phiên họp đã đưa ra nhận định trái ngược với cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện VKS hai cấp, tuyên sửa quyết định sơ thẩm theo hướng không hủy Nghị quyết 05.
Tòa cho rằng khoản 1 điều 10 và khoản 3 điều 23 điều lệ có mâu thuẫn với nhau nên không thể cùng áp dụng để giải quyết vụ việc mà phải áp dụng Luật DN. Theo đó, Sun Wah góp vốn 90% là lớn hơn quy định 75% nên có quyền biểu quyết thông qua việc sửa đổi điều lệ. Tòa còn gợi ý rằng nếu Công ty SATO không tán thành với nghị quyết sửa đổi điều lệ thì có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, theo khoản 1 Điều 52 Luật DN (tương ứng với khoản 1 điều 10 trong điều lệ).
Doanh nghiệp lo ngại
Qua theo dõi vụ việc này trên báo chí, tôi thấy rất lo ngại. Với phán quyết như vậy, hàng ngàn DN sắp tới có thể bị đặt trong tình trạng thấp thỏm lo sợ bởi điều lệ công ty lẽ ra phải được các cổ đông tôn trọng như bản hiến pháp của DN thì lại có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, DN Việt Nam sẽ không còn dám đi hợp tác với các tập đoàn nước ngoài nữa vì họ vốn thấp cổ bé họng, giờ lại không còn ai bảo vệ.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Hưng, TP Thủ Đức (TP.HCM) HUỲNH NGUYỄN THÁI SƠN
“Lấy làm tiếc” về quyết định phúc thẩm
TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Tôi lấy làm tiếc khi tòa phúc thẩm lại nhận định khoản 1 điều 10 và khoản 3 điều 23 điều lệ mâu thuẫn nhau rồi quay lại áp dụng Luật DN. Nội dung nghị quyết này liên quan đến việc sửa đổi điều lệ thì phải áp dụng quy định tại khoản 3 điều 23 điều lệ, tức là bắt buộc phải tôn trọng điều lệ công ty”.
TS Nguyên phân tích khoản 3 Điều 60 Luật DN quy định: Nếu điều lệ không có quy định khác thì nghị quyết của HĐTV được thông qua với 75% tổng số vốn góp của các thành viên. Như vậy, Luật DN đã trao quyền chủ động hoàn toàn cho điều lệ được quyền quy định về điều kiện thông qua nghị quyết.
Chỉ khi điều lệ không quy định gì thì mới quay lại áp dụng tỉ lệ 75% theo Luật DN. Trong vụ này, Nghị quyết 05 không có sự đồng ý của tất cả thành viên nên nó không có giá trị pháp lý theo khoản 3 điều 23 điều lệ đang có hiệu lực.
Luật sư Lê Văn Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng theo hồ sơ thì khoản 1 điều 10 điều lệ quy định rõ: “Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết”. Tức là việc chào bán này (nếu có) chỉ có giá trị áp dụng khi nghị quyết đã được thông qua đúng pháp luật. Ở đây, Nghị quyết 05 đang là đối tượng bị khởi kiện (chưa có giá trị pháp lý) nên không thể nhận định rằng khoản 1 điều 10 và khoản 3 điều 23 điều lệ mâu thuẫn với nhau.
Về việc mua bán lại phần vốn góp, một chuyên gia về Luật DN Trường ĐH Luật TP.HCM nói: Đây là vấn đề thuộc về quyền tài chính, không liên quan gì đến quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của HĐTV. Cơ sở của quyền bán phần vốn góp là thành viên đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết. Cơ sở của quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết là khi trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật DN và điều lệ.
Hai quyền này không liên quan đến nhau và không loại trừ, thay thế cho nhau, thực hiện quyền nào là quyền lựa chọn của thành viên công ty. Việc tòa phúc thẩm lấy quyền về tài chính để lập luận rằng mâu thuẫn với quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết rõ ràng là không phù hợp và trái luật.
“Tôi lấy làm tiếc cho phán quyết khó hiểu của Tòa Cấp cao tại TP.HCM, vì thế tôi cho rằng cần phải kháng nghị giám đốc thẩm hủy quyết định này, công nhận phán quyết của tòa sơ thẩm vì nó phù hợp pháp luật” - vị chuyên gia nói.
Có hành vi ra quyết định trái luật?
Theo ông Nguyễn Văn Lên (đại diện cho Công ty SATO), ông đã có đơn tố cáo đích danh thẩm phán Phan Đức Phương (chủ tọa phiên họp phúc thẩm) cho rằng có hành vi ra quyết định trái pháp luật. Theo tài liệu trong hồ sơ thì hiện Vụ 6, VKSND Tối cao đã có thông báo chuyển đơn tố cáo này đến Vụ 12 với lý do hiện Công ty SATO đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Sau khi có kết quả giám đốc thẩm, nếu có căn cứ xác định những vi phạm của thẩm phán Phương thì Vụ 6 sẽ chuyển thông tin tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao để xác minh, giải quyết.
Ngày 10-3, trả lời qua điện thoại câu hỏi của PV về việc có ý kiến gì với đơn tố cáo của Công ty SATO, thẩm phán Phan Đức Phương nói: "Bản án của tôi đã có hiệu lực pháp luật rồi, tôi không có trách nhiệm, không có thẩm quyền gì để nói nữa. Tôi là tôi giải quyết như thế và quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật rồi".
Phía Công ty SATO cũng đã gửi đơn đến chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định phúc thẩm, công nhận quyết định sơ thẩm. Ngày 2-2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có phiếu chuyển số 833 gửi TAND Tối cao xem xét, giải quyết đơn yêu cầu giám đốc thẩm của Công ty SATO.
Phía Công ty Sun Wah và Bay Water nói gì?
Ngày 16-2, trao đổi trực tiếp với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lo Kwok Luen, Phó Tổng giám đốc Công ty Bay Water (cũng là đại diện Công ty Sun Wah), nói ngắn gọn: “Quyết định của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật, tôi tin tưởng vào pháp luật Việt Nam”.
Hồ sơ còn thể hiện ngoài vụ kiện này, ngày 30-10-2019, TAND TP.HCM có thông báo thụ lý vụ án số 235/TB-TLVA vụ đại diện Công ty SATO khởi kiện ông Choi Koon Shum và ông Choi Chun Sze Johnson cho rằng có hành vi lập khống các biên bản họp, nghị quyết của HĐTV và một số hành vi khác. Trao đổi về thông tin này, ông Lo Kwok Luen xác nhận có vụ kiện, TAND TP.HCM đã ra thông báo thụ lý và vụ án đang trong quá trình giải quyết.