Cần kiểm soát quyền đại diện chủ sở hữu đất đai

(PLO)- Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ quyền sở hữu toàn dân về đất đai và có cơ chế kiểm soát để tránh tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-5, khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”.

Bên cạnh phiên toàn thể, hội thảo còn chia ba tiểu ban thảo luận chuyên sâu các chủ đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ); thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trưng dụng quyền SDĐ; chế độ SDĐ; tài chính đất đai, giá đất và giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

Thẩm quyền nhiều dễ lạm quyền

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ, cho biết UBND vừa là chủ thể có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, quyết định luôn giá giao, cho thuê và giá thu hồi, như vậy dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền nếu như không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

PGS-TS Phan Trung Hiền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

PGS-TS Phan Trung Hiền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Tuy nhiên, ông Hiền nhận định ở nước ta, cơ chế chưa được hữu hiệu. Thanh tra tỉnh không thể thanh tra được UBND tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT không thể thanh tra được Sở TN&MT vì Thanh tra Sở TN&MT là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Sở TN&MT. Với cơ chế thanh tra nội bộ như vậy, chúng ta rất khó thực hiện việc thanh tra có tính chất độc lập. Giao thẩm quyền quá lớn cho UBND cấp tỉnh và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát sẽ dẫn tới chuyện giao quyền SDĐ thì nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; còn thu hồi đất thì dễ dẫn tới thiếu công bằng, công khai, minh bạch.

“Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bổ sung quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai của cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án. Nghị quyết của Đảng đã nói rồi, quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai phải là quyền của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng trong Luật Đất đai gần như bỏ quên cơ quan tư pháp. Cạnh đó, cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện và tố cáo liên quan đến đất đai” - PGS-TS Phan Trung Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, về mặt lý luận, Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, còn bảo vệ pháp luật là thuộc về sứ mệnh của cơ quan tòa án. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp đưa về cơ quan tư pháp mới là hợp lý, đúng chức năng, còn việc UBND giải quyết tranh chấp chỉ là tình thế, về lâu dài, chính cơ quan tư pháp - tòa án sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp mới đúng, ủy ban không thể vừa quản lý vừa giải quyết tranh chấp được.

“Với cơ chế thanh tra nội bộ như hiện nay, chúng ta rất khó thực hiện việc thanh tra có tính chất độc lập.”

PGS-TS Phan Trung Hiền

Cần quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật Hà Nội, đánh giá pháp luật đất đai trong tiến trình hội nhập và phát triển đã thể chế hóa đầy đủ đường lối và quan điểm của Đảng.

PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến đánh giá những mặt được và những tồn tại trong quá trình thi hành Luật Đất đai thời gian qua. Trong đó, ông cho rằng có những tồn tại mà “tồn tại rõ nhất là cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai chưa hiệu quả”.

“Sở hữu đất đai của ta phân rất nhiều tầng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, song thực hiện đại diện quyền chủ sở hữu lại giao cho Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, UBND các cấp. Tôi tính ra 2,2 vạn cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, làm thế nào để có cơ chế kiểm soát được 2,2 vạn cơ quan này mà không có lợi ích nhóm. Nói như Tổng Bí thư là thiết kế cơ chế, cái lồng để “nhốt quyền lực”” - PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến nêu.

Cạnh đó, ông Tuyến cũng nêu thêm một số tồn tại như chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế về đất đai giữa người SDĐ, nhà đầu tư, Nhà nước trong vấn đề thu hồi đất; quy định giá bồi thường chưa hợp lý; xử lý quy hoạch treo chưa có hiệu quả…

Từ đó, ông nêu ra một số giải pháp như cần phải có quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết hiệu quả sự hài hòa về lợi ích trong thu hồi đất; bổ sung quy định để khắc phục tồn tại trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ…

Cần cân nhắc thời điểm thông qua dự thảo

PGS-TS Phạm Hữu Nghị. Ảnh: NHẪN NAM

PGS-TS Phạm Hữu Nghị. Ảnh: NHẪN NAM

PGS-TS Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhà nước và Pháp luật, cho rằng hiện nay có những vấn đề phải giải quyết rốt ráo. Cụ thể như “vấn đề sở hữu toàn dân thì phải rõ chủ sở hữu là ai, có quyền gì, thực hiện như thế nào, chứ 2,2 vạn cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu như PGS-TS Tuyến nói không ngăn ngừa được tham nhũng đâu. Ngăn ngừa làm sao được cả rừng người tham gia vào việc đại diện quyền sở hữu toàn dân này”.

Cạnh đó, ông Nghị cho rằng cơ chế thu hồi đất phải khác, chứ không thì… nguy hiểm lắm! Các vấn đề về đất lâm trường, đất quốc phòng - an ninh, đất sử dụng đa mục đích, đất tôn giáo… phải mở ra để giải quyết chứ không nên thấy khó quá, mở ra rồi lấp lại.

Ông Nghị mong các đại biểu Quốc hội có mặt tại hội thảo “mùa thu này chưa nên thông qua, nếu mà thông qua thì ít tác dụng trong đời sống xã hội”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm