Ngày 21-12, Tạp chí Cộng sản, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cùng tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của TP.HCM khi triển khai hai nghị quyết nêu trên.
Cần thêm một phó chủ tịch UBND TP.HCM
TS Phan Hải Hồ, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận nhiều cơ chế trong Nghị quyết 98 là vấn đề mới và cực kỳ khó, với khối lượng công việc nhiều, thực hiện trong thời gian gấp gáp, cần cả hệ thống chính trị đồng lòng, đồng sức.
Theo TS Hồ, TP.HCM không thể ngay lập tức thu hút được nhân tài về TP với số lượng lớn, có chất lượng nâng cao để thực hiện ngay nghị quyết này mà phải sử dụng con người cũ trong chính hệ thống chính trị hiện nay. “Đây đều là những người giỏi rồi, chất lượng rồi nhưng khi đối diện với khối lượng công việc lớn như thế này, rõ ràng sẽ rất khó khăn. Có thể nói chúng ta là con người cũ nhưng phải làm nhiệm vụ mới” - TS Hồ phân tích.
Bên cạnh đó, TS Hồ cũng nhìn nhận hệ thống thể chế và cách thức vận dụng, áp dụng nghị quyết mới chưa hoàn thiện, còn nhiều vấn đề có độ vênh pháp lý. Ông dẫn chứng mô hình chính quyền đô thị chưa hoàn thiện để đồng bộ với các vấn đề được thí điểm tại Nghị quyết 98.
“Tại sao cán bộ, công chức TP nhiều khi không dám làm? Vì sợ vi phạm pháp luật, vì chưa có các quy định hướng dẫn một cách chi tiết việc cán bộ khi thực hiện cơ chế đặc thì thì có hành lang pháp lý là gì; tôi được làm đến khuôn khổ, mức độ nào để không vượt quá quy định pháp luật, tức không outside, over pháp luật” - TS Hồ dẫn chứng thêm.
PGS-TS Trần Thọ Quang (Tạp chí Cộng sản) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐẠT KHOA
Ông cũng nhìn nhận cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài hiện nay chưa đáp ứng được cho TP. Dẫn chứng TP có cơ chế tuyển dụng sinh viên xuất sắc với mức lương gấp ba lần nhưng theo TS Hồ, việc này vừa chưa đủ sức thu hút,vừa tạo sự ganh tị trong chính cơ quan, đơn vị.
Từ đó, TS Hồ đề xuất lãnh đạo TP.HCM giảm bớt các đầu mối công việc để tập trung thực hiện Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98. “Chúng ta đang thiếu một phó chủ tịch UBND TP phụ trách riêng mảng này, nếu không có sẽ quá tải” - TS Hồ nói.
Ông cũng đề xuất việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị, Luật Chuyển đổi số và tổng kết ngay Nghị định 33 để ban hành một nghị định mới hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98.
Cần lực lượng dám đổi mới, sáng tạo
PGS-TS Trần Thọ Quang, Trưởng Cơ quan thường trực miền Trung - Tây Nguyên Tạp chí Cộng sản, nhìn nhận TP.HCM có nhiều hoạch định chiến lược để phát triển nhưng cần tư duy đúng tầm, trong tầm nhìn 30-40 năm tới.
Song song đó, TP.HCM cần có lực lượng dẫn dắt xuất sắc. “Tài nguyên, nguồn lực có bao nhiêu mà lực lượng dẫn dắt không xuất sắc, không dám đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tư duy đúng… thì chắc chắn nguồn lực đó sẽ phân tán, khó tập trung được” - PGS-TS Quang nói và khẳng định lực lượng dẫn dắt không xuất sắc thì TP.HCM không “cất cánh” ngay được.
PGS-TS Quang đề nghị TP quy hoạch lại không gian phát triển. “Thực ra TP đã quy hoạch rất nhiều nhưng cần tính toán, điều chỉnh lại để đường sá có tầm nhìn dài hạn, khu vực nào là dân cư, khu vực nào là cảng biển… đảm bảo cấu trúc không gian phát triển ổn định” - ông Quang nói thêm và dẫn chứng TP Tokyo (Nhật Bản) muốn tìm không gian để phát triển đã không còn nữa. Do đó, TP.HCM cần chuẩn bị nguồn lực cho lâu dài, có khoản dự trữ về không gian cho sự phát triển của TP đến hàng trăm năm sau.
Ông Quang cũng đề nghị TP.HCM dùng cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy, xây dựng bản sắc riêng cho TP mà không nơi nào có được. Từ đó đến năm 2030-2045, TP.HCM là một thực thể mạnh mẽ.
“TP.HCM có đầy đủ điều kiện phát triển nhưng TP “cất cánh” được hay không thì phải dựa vào những đặc sắc, đột phá” - ông Quang nhận định.•
Huyện lên quận vẫn phải giữ mảng xanh
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phải đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách tốt hơn.
Theo bà Thảo, TP.HCM phải làm tốt hơn nữa quy hoạch chung, ngành, lĩnh vực, gắn với phát triển bền vững TP.
“Quy hoạch thế nào mà có quận thiếu tới 25 trường học, có bệnh viện lớn mà đông như cái chợ hay nhóm nhạc nổi tiếng muốn biểu diễn tại TP nhưng không có sân vận động lớn… Quy hoạch thế nào mà cây xanh chỉ còn 0,55 m2/người…” - bà Thảo dẫn chứng và cho rằng TP.HCM thực hiện quy hoạch quá lâu. Bà đề nghị quy hoạch TP.HCM phải giữ được mảng xanh, đừng để cao ốc lấn chiếm.
“Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh có lên quận hoặc TP cũng phải giữ được mảng xanh” - bà Thảo nói và đề nghị TP.HCM nhanh chóng tháo gỡ, khởi động các công trình đóng băng, đẩy nhanh các công trình mới mang tính đột phá.
Ngoài ra, phân cấp, ủy quyền phải phù hợp, tránh bị vênh. Bà dẫn chứng việc phân cấp cho quận, huyện quyết định mức giá bồi thường có nhiều vấn đề còn băn khoăn. “Một con đường chạy qua, quận này quyết giá này, quận kia quyết giá khác, nếu để TP làm thì tốt hơn” - bà Thảo phân tích.