Hiện nay có nhiều quy định mới khiến tôi và một số người thân chưa hiểu rõ. Nhất những quy định đối với việc chạy xe không chính chủ.
Xin hỏi, nếu tôi mượn xe của bạn mình hoặc những người thân trong gia đình chạy thì khi bị cảnh sát giao thông bắt, tôi có bị xử phạt vì chạy xe không chính chủ không và tôi cần phải mang theo những giấy tờ gì?
Bạn đọc Phương Dung (TP.HCM), hỏi.
Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời, theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021), không có lỗi nào gọi là lỗi chạy xe không chính chủ.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019 trong công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hay công tác đăng ký xe, khi phát hiện xe không chính chủ, đã mua bán nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ thì có thể bị xử phạt với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (mức xử phạt áp dụng tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019).
Do đó, cơ quan chức năng sẽ chỉ phạt lỗi không làm thủ tục sang tên đối với xe đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Còn với trường hợp chạy xe không phải tên của mình trên giấy đăng ký mà người đứng tên là vợ, chồng, cha, mẹ, con cái, bạn bè, người thân… đều không liên quan đến lỗi không sang tên xe theo quy định và tất nhiên sẽ không bị xử phạt.
Bên cạnh đó, theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy, với trường hợp trên dù là chạy xe của bạn hay người thân trong gia đình đều không vi phạm quy định và sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, cần phải mang đầy đủ các loại giấy tờ như đã nêu trên để tham gia giao thông đường bộ đúng với quy định của pháp luật.