ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN CHỒNG NGOẠI - BÀI CUỐI:

Cần một chính sách “thoáng” hơn

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề nghị TAND Tối cao phải có một chính sách riêng đối với các trường hợp đơn phương xin chấm dứt hôn nhân với chồng ngoại...

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng vẫn là phải làm sao cho hoạt động ủy thác tư pháp quốc tế có hiệu quả. Dĩ nhiên, đây không thể là chuyện một sớm một chiều vì nó còn liên quan đến việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước như Mỹ, Úc, Đức, Hàn Quốc…

Tống đạt qua đường bưu điện

Trong khi chờ đợi sự chuyển biến trong hoạt động tương trợ tư pháp ở cấp quốc gia, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM đã đề xuất một hướng giải quyết mới. Đó là thay vì tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp vốn đang bất cập, TAND Tối cao nên cho phép tòa án các địa phương chủ động tống đạt giấy tờ (thông báo về vụ kiện, thời gian xét xử, nội dung yêu cầu đương sự trả lời…) cho đương sự nước ngoài qua đường bưu điện theo dạng bảo đảm.

Theo thẩm phán này, kết quả có thể sẽ có nhanh hơn. Nếu có hồi báo đương sự ký nhận giấy tờ thì xem như đương sự biết rõ vụ kiện và phải có nghĩa vụ thực hiện theo yêu cầu của tòa. Vì quyền lợi của mình, đương sự phải sớm có phản hồi. Còn nếu đương sự bỏ mặc, không có ý kiến phúc đáp thì xem như đã tự tước bỏ quyền của mình trong vụ kiện, chấp nhận vô điều kiện mọi phán quyết của tòa.

Cần một chính sách “thoáng” hơn ảnh 1

Cách xử lý trên đã được khá nhiều nước áp dụng. Thực tế thủ tục ly hôn tại nhiều nước như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan… nhanh hơn ta rất nhiều, kể cả giải quyết ly hôn vắng mặt, không có ý kiến của một bên đương sự. Các nước này đều cho phép tống đạt giấy tờ về vụ kiện… qua đường bưu điện (gửi bảo đảm) và dùng kết quả hồi báo thư tín làm căn cứ xác nhận bị đơn đã nhận được văn kiện hay chưa. Chỉ cần bị đơn ký tên trong phiếu hồi báo là đã nhận thì tòa sẽ tiến hành giải quyết án, bất kể bị đơn có ý kiến trả lời hay có tham dự phiên xử hay không.

Dành sự chủ động cho đương sự, luật sư

Theo luật sư Nguyễn Đỗ Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong lĩnh vực dân sự nói chung và hôn nhân gia đình nói riêng, tòa án không nên “ôm việc” mà hãy để đương sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình. Tòa nên trao quyền cho đương sự tự thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ vụ việc qua đường bưu điện hay giao cho luật sư các bên tự thực hiện.

Đây cũng là một cách xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp. Thay vì chờ tòa án đứng ra thực hiện miễn phí các thủ tục tống đạt quá lâu, có đương sự sẵn sàng tự bỏ kinh phí nhờ luật sư thực hiện, miễn là có chứng cứ rõ ràng là đã hoàn thành việc tống đạt giấy tờ cho phía bên kia.

Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Úc. Một số vụ ly hôn giữa công dân Úc và công dân Việt Nam đã được Tòa án gia đình Úc giải quyết khá thuận lợi mà vẫn đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ.

Theo đó, luật sư của nguyên đơn xin ly hôn tại Úc có nghĩa vụ phải tống đạt đến người hôn phối ở Việt Nam đầy đủ văn bản thông báo về vụ kiện, thời gian mở phiên tòa cùng những giấy tờ liên quan theo đề nghị của Tòa án gia đình Úc. Thường các luật sư sẽ tống đạt bằng cách gửi bảo đảm văn bản qua đường bưu điện. Nếu có hồi báo đương sự Việt Nam ký nhận thì xem như người đó biết rõ vụ kiện và phải có nghĩa vụ đến phiên tòa hoặc cử người đại diện tham dự để bảo vệ quyền lợi cho mình. Nếu không đến tòa, không gửi văn bản trả lời thì tòa án Úc xem như đương sự biết rõ và đồng ý vô điều kiện những vấn đề trong vụ kiện. Từ đó tòa sẽ tiến hành xét xử vắng mặt, công nhận các yêu cầu của nguyên đơn.

Vắng mặt nên thua thiệt

Bất hòa với chồng, năm 2008, cô T. ôm con từ Úc về Việt Nam sống với cha mẹ ở quận 10 (TP.HCM). Vài tháng sau, chồng cô nộp đơn yêu cầu Tòa án gia đình Sydney phân xử quyền nuôi con và tài sản. Luật sư của chồng cô T. đã gửi các giấy tờ theo đề nghị của tòa vào hộp thư điện tử (email) của cô, đồng thời gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ nhà cha mẹ cô.

Các văn kiện này được cha cô T. ký nhận. Sau đó, cô T. gửi văn bản đến Tòa án gia đình Sydney phản đối yêu cầu của chồng... Tuy nhiên, cô không đủ khả năng tài chính để thuê luật sư ở Úc làm đại diện hay sang Úc dự phiên xử. Tòa án gia đình Sydney đã ban hành lệnh lưu ý là theo luật Úc, nếu cô T. hoặc luật sư đại diện không xuất hiện tại phiên xử thì tòa sẽ không xét yêu cầu của cô. Cuối cùng, Tòa án gia đình Sydney đã xử vắng mặt cô T., tuyên giao toàn bộ tài sản lẫn quyền nuôi con cho người chồng.

Vụ kiện được giải quyết vỏn vẹn trong sáu tháng kể từ ngày người chồng nộp đơn. Tính từ lúc cha cô T. ký nhận các văn kiện mà luật sư của chồng cô gửi đến lúc Tòa án gia đình Sydney mở phiên xử chỉ vỏn vẹn trong vòng chưa tới hai tháng.

Hướng dẫn mới hợp lý

Hiện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TAND Tối cao đang soạn thảo thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự. Thông tư này sẽ quy định chi tiết hình thức, nội dung văn bản ủy thác tư pháp; trình tự và biện pháp xử lý kết quả ủy thác, kể cả trường hợp đã ủy thác nhưng không có kết quả.

Theo Điều 16 dự thảo thông tư, tòa án ủy thác tống đạt giấy tờ, hồ sơ nhưng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác minh mà không có tin tức, địa chỉ của đương sự thì được coi là họ giấu địa chỉ và tòa giải quyết vụ việc theo thủ tục chung. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài có thông báo cho biết người được tống đạt từ chối nhận giấy tờ, cố tình giấu địa chỉ hoặc đã tiến hành xong thủ tục niêm yết mà không có kết quả thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc mà không cần ủy thác tư pháp lần hai.

Ngoài ra, Điều 17 của dự thảo thông tư còn cho phép tòa tống đạt giấy tờ vụ kiện trực tiếp cho đương sự đang ở nước ngoài qua đường bưu điện hoặc thông qua người thân của đương sự. Trường hợp họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng không gửi lời khai về cho tòa, cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp tài liệu cần thiết thì sau hai lần yêu cầu, tòa có quyền xét xử vắng mặt đương sự. Sau khi xét xử, tòa gửi ngay cho thân nhân của đương sự bản án, đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã nơi đương sự cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của họ cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

Các hướng dẫn trên trong dự thảo thông tư được đánh giá là khá ‘thoáng” và hợp lý, có thể tháo gỡ được tình trạng “đóng băng” hiện nay của các vụ đơn phương xin ly hôn chồng ngoại.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm