ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN CHỒNG NGOẠI - BÀI 1

Mòn mỏi tuổi xuân vì tòa không xử

Chưa kể các trường hợp xin ly hôn mới, hàng loạt phụ nữ đang mỏi mòn chờ đợi được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân vốn chỉ còn trên giấy nhưng lại trói buộc tuổi xuân…

Cả nhà cô NTT đều định cư tại Mỹ, chỉ còn mình cô ở trong một căn hộ tiện nghi tại quận 1 (TP.HCM) vì không muốn sinh sống nơi xứ lạ quê người. Năm 2006, cô quen một Việt kiều Mỹ. Cô quyết định lên xe hoa với anh sau khi anh hứa với cô rằng kết hôn xong sẽ chuyển về Việt Nam làm ăn, cùng cô vun đắp hạnh phúc suốt đời.

Bị trói buộc đến bao giờ?

Cuộc hôn nhân không ngờ lại đổ vỡ nhanh chóng chỉ sau một năm ngắn ngủi vì người chồng không muốn về nước. Liên lạc giữa hai bên cứ thưa thớt dần, rồi một ngày cô T. bặt luôn tin tức của chồng. Gia đình bên Mỹ của cô cũng không còn liên lạc được với anh khi anh đã chuyển qua một bang khác sinh sống và họ không biết được địa chỉ cụ thể.

Chờ đợi mãi trong vô vọng, cuối cùng cô T. cũng tính chuyện dứt khoát để lo cho tương lai của mình. Năm 2010, cô nộp đơn xin ly hôn ra TAND TP.HCM. Thụ lý, đến tháng 3-2011, TAND TP đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc với lý do việc ủy thác tư pháp tại Mỹ để lấy ý kiến, lời trình bày… của chồng cô không có kết quả.

Mòn mỏi tuổi xuân vì tòa không xử ảnh 1

Xinh đẹp, còn trẻ, cô T. không thiếu người theo đuổi. Khổ nỗi cô vẫn đang mang thân phận của một phụ nữ đã có chồng, không phải là người độc thân để tính chuyện nghiêm túc, lâu dài với các mối quan hệ tình cảm. Cô đến hỏi tòa chừng nào mới giải quyết cho cô được giải phóng khỏi mối quan hệ với người chồng “dù thật nhưng ảo” kia, cán bộ tòa bảo… không biết vì “quy định nó thế”. Về nghe bạn hỏi thăm chuyện tương lai tính sao, cô T. chỉ biết thở dài, bâng quơ: “Tại tòa… chưa cho lấy chồng”.

“Đóng băng” vì chuyện ủy thác

Tương tự là các trường hợp của bà NTTN (ngụ quận Phú Nhuận) xin ly hôn với ông NGT (California, Mỹ), bà NTMH (ngụ quận Gò Vấp) xin ly hôn với ông LMH (Berlin, Đức). Họ đều đơn phương xin ly hôn với lý do thực tế đã không còn chung sống với nhau nữa nhưng cuối cùng TAND TP cũng tạm đình chỉ giải quyết vì không có kết quả ủy thác tư pháp.

Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, tại TAND TP đã có gần 300 hồ sơ yêu cầu đơn phương ly hôn với người nước ngoài bị tạm đình chỉ giải quyết với chung lý do đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng tòa vẫn chưa nhận được kết quả trả lời ủy thác tư pháp. Chưa kể văn phòng TAND TP vẫn đều đều nhận được các đơn xin ly hôn vắng mặt chồng ngoại khác. Kết quả biết trước của các trường hợp này cũng là tạm đình chỉ.

Hàng loạt phụ nữ trẻ chờ đợi được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân chỉ còn trên giấy nhưng trói buộc tuổi xuân. Có chuyện này cũng bởi ngành tòa án cả nước, trong đó có TP.HCM đang thực thi chỉ đạo của TAND Tối cao là thống nhất tạm đình chỉ các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài mà hết thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp.

Trong khi đó, chuyện ủy thác tư pháp quốc tế là một chuyện rất nan giải vì tòa án chỉ ủy thác tư pháp với các quốc gia có ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam. Nước ta hiện chỉ mới ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với khoảng 15 nước, trong khi một số nước mà công dân Việt Nam thường kết hôn với công dân của họ như Mỹ, Úc, Canada… thì lại chưa ký.

Hơn nữa, ngay cả với các quốc gia đã ký hiệp định với nước ta, việc ủy thác tư pháp cũng thường không có kết quả bởi tòa không nhận được trả lời của đương sự, không nhận được hồi âm của Bộ Tư pháp, của đại sứ quán Việt Nam và của tòa án có thẩm quyền của nước ngoài...

Không lối thoát?

Là một kỹ thuật viên dựng cảnh hậu kỳ phim trẻ trung, xinh đẹp, cô B. (xã Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh) được không ít chàng trai theo đuổi nhưng gánh nặng gia đình cô đã khiến nhiều người e ngại, chùn bước. Mẹ mất sớm, cha bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, em trai mắc bệnh down cả ngày ngơ ngẩn, bà nội và bà ngoại đều đã ngoài 90 tuổi, đôi vai mảnh mai của cô phải gồng gánh, lo toan cho cả gia đình năm miệng ăn.

12 năm trước, trong lúc quá khó khăn, cô theo chân môi giới lấy chồng Đài Loan. Ngỡ rằng người đàn ông lớn hơn mình 17 tuổi sẽ yêu chiều vợ trẻ, cô đâu ngờ gặp phải gia đình chồng quá khắc nghiệt. Không chịu đựng nổi, cô ôm đứa con vừa tròn ba tuổi về Việt Nam sinh sống. Từ năm 2006, cô nộp đơn xin ly hôn ở TAND tỉnh Tây Ninh nhưng vì việc ủy thác tư pháp không có kết quả nên tòa tạm đình chỉ giải quyết.

Hiện đã ngoài 30 tuổi, cô B. vẫn chưa tìm được bến đậu vì không người đàn ông nào chịu chờ đến ngày cô được “tháo cũi sổ lồng”, còn cô cũng chẳng biết đến bao giờ mới được tự do để mà hứa hẹn.

Ách tắc hàng loạt

Tháng 4-2010, chánh án TAND TP.HCM từng có công văn gửi chánh án và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao kiến nghị sớm có hướng dẫn thống nhất thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự.

Theo TAND TP, các quy định về việc thực hiện ủy thác tư pháp chưa mang tính hệ thống, chưa được sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Các văn bản luật này chỉ dừng lại ở những điều luật khung, chỉ đưa ra các nguyên tắc về ủy thác tư pháp. Vì thế khi giải quyết án, các thẩm phán gặp khó khăn và lúng túng.

Bên cạnh đó, việc ủy thác tư pháp phải thực hiện theo điều ước đã ký nhưng hiện nay, ngành tòa án không cập nhật được danh sách các quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự. Đồng thời, tòa cũng không biết về nội dung của những hiệp định tương trợ đó.

Không chỉ riêng án hôn nhân-gia đình, tại TAND TP, hàng loạt vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài cần ủy thác tư pháp quốc tế đều đang bị ách tắc. Các thẩm phán dân sự không dám xử vì sợ bị hủy án. Lượng án tồn đọng, quá hạn trong năm tăng cao. Nhiều đương sự liên tục khiếu nại…

Theo quy trình ủy thác, đầu tiên tòa án Việt Nam phải chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp. Bộ này chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Từ đây hồ sơ vụ án mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu quá trình xác minh thuận lợi, hồ sơ sẽ lần lượt ngược hành trình trên quay về tòa án Việt Nam. Đó là lý thuyết. Thực tế chỉ cần hồ sơ bị ách lại ở một cơ quan nào đó thì tòa chỉ có cách duy nhất là ngồi chờ. Chưa kể đến việc các cơ quan nước bạn không nhiệt tình, không hào hứng giúp đỡ thì coi như án chôn chân tại chỗ.

TAND TP kiến nghị TAND Tối cao cần sớm phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện ủy thác tư pháp giải quyết vụ việc dân sự theo từng giai đoạn, từ giai đoạn thụ lý, thu thập tài liệu, chứng cứ, tổ chức hòa giải cho đến khi đưa vụ việc ra giải quyết...

BÌNH MINH

Kỳ tới: Gỡ vướng ra sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm