Căn nguyên rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu

(PLO)- Cuộc chiến tại Gaza hiện nay khiến quan hệ giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở Mỹ thêm xấu đi.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại phòng Bầu dục vào năm 2014, nhà lãnh đạo Israel đã nói cho ông Obama nghe về tương lai của Gaza, về nhà nước Palestine và thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo tờ The Washington Post, sau cuộc họp, ông Obama nói rằng ông Netanyahu đã nói chuyện với ông bằng giọng điệu trịch thượng và không thiện chí.

Khoảnh khắc trên là một trong những căn nguyên dẫn đến các cuộc tranh luận gay gắt về Israel trên khắp nước Mỹ thời gian gần đây.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng (Mỹ) vào tháng 10-2014. Ảnh: GPO

Theo The Washington Post, trong 16 năm qua, ông Netanyahu đã xa rời cách làm việc so với những người tiền nhiệm của ông đối với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ. Ông Netanyahu ủng hộ đảng Cộng hòa và xa cách đảng Dân chủ. Ở chiều ngược lại, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cũng có cách tiếp cận riêng với ông Netanyahu.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận quan hệ với Mỹ của ông Netanyahu

Cuộc chiến ở Gaza hiện nay là minh chứng rõ ràng cho thấy sự ủng hộ của Mỹ cho Israel đã thay đổi. Sự chia rẽ cách Mỹ ủng hộ Israel được thể hiện trong các cuộc biểu tình và các cuộc tranh luận của đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Chris Murphy cho rằng: “Tôi không nghĩ có cách nào khác để nói điều này: ông Netanyahu là một thảm họa thực sự đối với sự ủng hộ cho Israel trên toàn thế giới. Tại Mỹ, ông Netanyahu đã đưa ra một quyết định liều lĩnh khi hòa nhập với đảng Cộng hòa, chọn bên rất rõ ràng trong nền chính trị Mỹ và nó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, ông Netanyahu không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự thay đổi này. Nội các Israel đã chuyển dần sang phía cánh hữu và đảng Dân chủ đang chuyển dần sang cánh tả trong những năm gần đây. Trong khi đó, những ký ức tốt đẹp của người Mỹ về Israel đã dần mờ nhạt.

Các cựu trợ lý của ông Netanyahu cho biết thủ tướng Israel là người có vai trò chính trong việc thay đổi cách tiếp cận của nước này trong quan hệ với Mỹ và dần nghiêng về hướng ủng hộ cánh hữu tại Mỹ. Theo đó, điều này khiến mối quan hệ giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng có dấu hiệu rạn nứt.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo của Israel đồng ý rằng sự hỗ trợ về quân sự và ngoại giao của Mỹ là rất quan trọng đối với sự tồn tại của Israel, khi nước này đối mặt nhiều thách thức chính trị và ngoại giao. Cho đến nay, Mỹ là nước ủng hộ lớn nhất đối với Israel.

Ông Netanyahu và ông Biden trong cuộc họp tại Jerusalem vào tháng 3-2010. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Murphy cho biết cá nhân ông đã cảnh báo ông Netanyahu nhiều lần trong 10 năm qua về những rủi ro khi ông gắn kết quá chặt chẽ với đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Murphy cho biết thủ tướng Israel “chưa bao giờ muốn lắng nghe”.

Tác động kéo dài

Trong quá khứ, chiến lược của ông Netanyahu được thể hiện qua những động thái như phát biểu tại quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo vào năm 2015 nhằm chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama về Iran, hoặc ra dấu hiệu ủng hộ các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa như ông Mitt Romney và ông Donald Trump.

Trong cuộc xung đột hiện tại, đảng Cộng hòa thể hiện rõ sự ủng hộ của họ đối với ông Netanyahu và công kích ông Biden, nếu chính quyền ông Biden có bất kỳ dấu hiệu nào không ủng hộ các chính sách của thủ tướng Israel.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết ông có kế hoạch mời ông Netanyahu phát biểu tại một phiên họp chung của quốc hội. Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Elise Stefanik gần đây đã tới Israel và tuyên bố với các thành viên quốc hội Israel rằng: “Không có lý do gì để một tổng thống Mỹ chặn viện trợ cho Israel”.

Một số nhà lãnh đạo Israel lo ngại rằng ông Netanyahu đang phá hoại sự ủng hộ thống nhất của Mỹ dành cho Israel. Cựu thủ tướng Israel – ông Ehud Olmert cho rằng chiến lược đảng phái của ông Netanyahu đã “gây ra sự xói mòn trong ủng hộ của Mỹ dành cho nhà nước Israel”.

“Tôi nghĩ rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nhu cầu cơ bản của nhà nước Israel” – ông Olmert nói.

Ở Israel, một loạt các vấn đề xã hội, chính trị và an ninh các yếu tố khác đã đẩy nền chính trị nước này dần sang cánh hữu, chấm dứt xu hướng chính trị do các nhà lãnh đạo thiên tả như ông Shimon Peres và ông Ehud Barak xây dựng.

Tại Mỹ, các nhà hoạt động da màu ngày càng đồng cảm với tình trạng của người Palestine và phản đối những hành động của Israel. Phong trào Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) đối với kinh tế Israel cũng được bắt đầu từ nhiều năm trước, nhằm phản đối cách Israel hành động tại các vùng lãnh thổ thuộc Palestine.

Tuy nhiên, theo The Washington Post, điều làm các thành viên đảng Dân chủ mất thiện cảm về Israel nhất là những lời lẽ và hành động của ông Netanyahu, đặc biệt là khi số người thiệt mạng tại Gaza tăng cao và tình hình nhân đạo tại khu vực này rơi vào khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp vào tháng 3-2019. Ảnh: AP

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho biết: “Trong lịch sử, Israel luôn nhận được nhiều sự ủng hộ ở Mỹ và trên toàn thế giới. Đó là vì đây là quê hương của những người Do Thái, vốn đã phải gánh chịu những tội ác không thể tả xiết trong Thế chiến II”.

“Nhưng tôi nghĩ cuộc chiến của chính phủ ông Netanyahu chống lại người dân Palestine và việc họ giết hại hàng chục ngàn người đã làm giảm đáng kể sự ủng hộ đối với Israel, đặc biệt là trong giới trẻ. Tôi nghĩ điều này không phải là điềm lành cho tương lai của Israel” – ông Sanders nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới