Cần những tượng đài thể hiện chiều dài lịch sử TP

Như đã nêu trong các số báo trước, nhiều tượng và tượng đài của TP còn khiếm khuyết về mặt mỹ thuật. Vị trí đặt tượng cũng là một điểm yếu làm suy giảm giá trị của nhiều tác phẩm. Ngoài ra, vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là hệ thống tượng đài chưa thể hiện hết giá trị lịch sử của TP 300 năm.

Chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử

Theo Sở VH-TT&DL, toàn TP có 16 quận, huyện có tượng và tượng đài, tập trung nhiều nhất ở quận 1 với 11 tượng. Ngoài những hạn chế về mỹ thuật và chất lượng, đa số tượng đài còn đơn điệu trong cách thể hiện, nghèo nàn về nội dung.

Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận lịch sử hình thành và phát triển của TP đã không được thể hiện đầy đủ qua hệ thống tượng đài. “Như vậy là chưa xứng với tầm vóc của TP 300 năm. Không lẽ lịch sử của TP chỉ có một khoảng thời gian đáng ghi nhớ là các cuộc đấu tranh cách mạng? Tôi nghĩ rằng lịch sử luôn phải trung thực và công bằng, ngay cả trong việc quy hoạch và xây dựng tượng đài” - ông Mười nói.

TS Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích - Sở VH-TT&DL, đánh giá: Trong toàn bộ 44 tượng và tượng đài hiện hữu không có tác phẩm nào tôn vinh những danh nhân hoặc các sự kiện lịch sử từ buổi đầu khẩn hoang, lập nên vùng đất mới cách đây hơn 300 năm. Cạnh đó, chỉ có duy nhất một tượng đặt trước Nhà hát TP.HCM mang tính mỹ thuật đương đại, thể hiện cuộc sống thanh bình qua những sinh hoạt của người dân.

“TP hiện chủ yếu chỉ có tượng về các nhà chính trị, nhà quân sự, hầu như vắng bóng các nhà văn hóa hoặc thậm chí là những nhà kinh doanh đã có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của TP” - TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét. Ông Sơn đưa ra ví dụ về tượng Quách Đàm - người đã có công xây và tặng chợ Bình Tây cho người dân quận 5 thời đó. Công ơn của ông đã được chính quyền thời Pháp ghi công và cho dựng tượng nhưng sau này bức tượng bị hạ xuống và dời về Bảo tàng Mỹ thuật TP. “Quách Đàm đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của TP nên rất đáng được người dân TP ghi nhớ. Trong bản quy hoạch sắp tới, nên cân nhắc để khôi phục bức tượng nhiều ý nghĩa này. Điều đó vừa để ghi nhớ công lao của nhân vật, vừa khuyến khích các doanh nhân thời đại mới cống hiến nhiều hơn cho xã hội” - ông Sơn nói.

Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu-Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) được đánh giá cao về mỹ thuật. Bức tượng được xây dựng gần nơi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự khủng bố, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ảnh: ĐÌNH VÂN

Cần một quy hoạch dài hơi

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP, nhấn mạnh: Hệ thống tượng đài chưa thể hiện được chiều dài 300 năm lịch sử của Sài Gòn-TP.HCM là một thiếu sót lớn. Để khắc phục điều này (đồng thời giải quyết các vấn đề về mỹ thuật), TP cần phải có một chương trình dài hơi chứ không thể làm theo kiểu “trống đâu, lấp đó”.

Ông Huỳnh Văn Mười đề xuất: TP có lịch sử 300 năm thì nên có những tượng đài thể hiện được chiều dài lịch sử ấy. Trong quy hoạch sắp tới cần phân loại tượng đài thật cụ thể và trước tiên cần tạc tượng những người đã có công mở cõi, những danh nhân Nam Bộ tiêu biểu. Kế đó sẽ vinh danh những anh hùng liệt sĩ trước và sau khi có Đảng, các sự kiện lịch sử cách mạng rồi đến mảng tượng trang trí.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP có rất nhiều cơ hội để tái hiện lịch sử phát triển. Theo ông, cái lõi 300 năm của TP rất dễ nhận biết, đó là khu vực quận 1, quận 3 và một phần quận 5. Để dấu ấn lịch sử luôn hiện hữu thì cần khoanh ranh giới rõ rệt của khu vực lịch sử và có những công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử phù hợp. Khi đó, có thể nhìn rõ rất nhiều vị trí có thể đặt tượng.

“Chẳng hạn, TP nên hình thành phố đi bộ liên hoàn từ bến Bạch Đằng - Đồng Khởi - nhà thờ Đức Bà - Bưu điện TP - Hội trường Thống Nhất - Công viên Tao Đàn - Tòa án Nhân dân TP. Đây sẽ là con đường di sản của TP và dọc theo con đường này phải hình thành được các mảng xanh, đó là những nơi đặt tượng rất lý tưởng” - ông Sơn nêu ý tưởng. Theo ông, mô hình này rất phổ biến trên thế giới, vừa giúp các thế hệ trẻ học lịch sử, vừa giúp du khách hiểu hơn về sự phát triển của TP. Ông Sơn cũng đánh giá bốn điểm lý tưởng để đặt tượng đài hiện nay là khu vực công viên cây xanh trước Hội trường Thống Nhất; Thảo cầm viên; Công viên Tao Đàn và dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn.

Sẽ thực hiện từng bước

Ông Nguyễn Việt Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án - Sở VH-TT&DL TP, thừa nhận hệ thống tượng và tượng đài của TP chưa có sự hài hòa với không gian chung của đô thị. Điều này sẽ được giải quyết thông qua Chương trình nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống tượng và tượng đài đến năm 2025.

Theo ông Tuấn, việc quy hoạch hệ thống tượng đài chưa có tiền lệ, do vậy phải thực hiện từng bước. Đầu tiên, phải đánh giá hiện trạng, kết hợp nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài. Sau đó, tổ chức hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành và nhân dân trước khi xây dựng các tiêu chí về nội dung, thể loại và quy mô tượng đài.

“Đề cương chương trình đã được Sở VH-TT&DL cùng Hội Kiến trúc sư TP thực hiện và chỉnh sửa nhiều lần, đến nay cũng tương đối hoàn chỉnh. Lộ trình thực hiện các bước nói trên dự kiến khoảng 36 tháng. Trong tháng 9, Sở VH-TT&DL sẽ trình TP phê duyệt đề cương, sau đó sẽ cùng Hội Kiến trúc sư triển khai chính thức” - ông Tuấn cho biết.

Chữ tượng đài phải hiểu theo đúng nghĩa đầu tiên là cao quý, cao cả, để tưởng niệm một sự kiện, một nhân vật lịch sử. Tượng đài phải chứa đựng đủ bốn yếu tố: tính thời đại, tính đại chúng, tính thẩm mỹ và tính giáo dục. Khác với tượng đài, tượng thường bị khống chế về mặt không gian, không bắt buộc phải lớn. Tuy nhiên, tượng đài thì nhất thiết phải tạo cho người xem cảm giác tôn kính, không gian phải tôn nghiêm.

Nhà điêu khắc TRẦN THANH NAM,  hội viên Hội Mỹ thuật TP

Cần chấm dứt việc làm tượng và tượng đài bằng các chất liệu không bền vững. Những tượng hiện hữu đã xuống cấp về các mặt cần được mạnh dạn làm lại cả về chất liệu lẫn mẫu tượng. Càng chậm phê duyệt quy hoạch tượng đài, giá trị văn hóa của đô thị TP.HCM càng bị giảm đi, không chỉ bây giờ mà rất nhiều năm sau này.

NGUYỄN THẾ THANH,
nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới