Mới đây, PLO.VN có bài: “Những khu đô thị ‘vàng’ chưa phát triển giữa trung tâm TP.HCM”, thông tin về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 mà UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP.
Trong đó, nhiều khu vực như “Chinatown” ở quận 5, khu Bàn Cờ quận 3 hay khu Mả Lạng - Cống Quỳnh quận 1 được đánh giá là khu vực hấp dẫn nhất của TP.HCM, đối với người Việt cũng như du khách. Tuy nhiên, các khu vực này còn chưa phát huy hết tiềm năng của khu đô thị truyền thống, dù nằm gần trung tâm nhưng chất lượng đô thị lại thấp.
Sống thấp thỏm với các nguy cơ xảy ra sự cố
“Giữa trung tâm thành phố, nằm ngay những khu sầm uất nhất của các quận mà lại có thể tồn tại những khu “ổ chuột” mấy chục năm nay. Tôi đã từng vào khu Mả Lạng vài lần, phải nói là không biết dùng từ gì để diễn tả cho hết sự ngột ngạt, chật chội, bí bách trong những ngôi nhà, những con hẻm siêu nhỏ ở nơi này. Chưa kể lúc mưa xuống, không biết cuộc sống của người dân như thế nào khi mà nước cống dâng lên đen kịt ngập vào trong nhà, rác thải trôi lềnh bềnh. Tôi hi vọng chính quyền thành phố sớm có phương án hỗ trợ và xử lý càng sớm càng tốt” - bạn đọc Phương Thảo chia sẻ.
“Cảnh đời của người dân các khu vực này quá chật chội, cơ cực, bí bách. Họ luôn phải sống cùng các nguy hiểm chực chờ khi mà không gian sống, điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy đều không đảm bảo. Nếu có cháy nổ thì khó có cách nào cứu chữa, tôi nhớ cũng vài lần có cháy rồi, xe chữa cháy phải đậu ở ngoài đường Nguyễn Cư Trinh hoặc Nguyễn Trãi rồi kéo vòi chữa cháy vào bên trong chứ đâu có đi thẳng vào hỗ trợ được” - bạn đọc Thành Trung kể .
“Tôi nhớ khoảng chục năm trước, lúc đó tôi đang học ở Sài Gòn nên có đến đây tìm người quen. Đi vô khu quận 1 này cứ như vào ma trận, nhà siêu nhỏ nên người dân hai bên tận dụng tối đa đường đi trước nhà để sinh hoạt. Thấy lúc đó các hộ dân đều không dám sửa chữa nhà nên cứ để xập xệ, sinh sống tạm bợ vì sợ di dời. Không ngờ khu này vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Mong chính quyền sớm có cách thực hiện thay đổi dự án để hỗ trợ người dân có chỗ ở mới ổn định và đầy đủ hơn” - bạn đọc Thanh Thư bộc bạch.
Dự án quy hoạch, cải tạo các khu đất “vàng”: Khó trăm bề!
“Có nhiều lý do khiến những khu đô thị ‘vàng’ chưa phát triển, rất khó để đi đến một sự thống nhất, đồng thuận giữa các bên. Các yếu tố như mặt bằng giá cao, số lượng dân cư đông, thói quen sinh hoạt buôn bán của người dân qua nhiều thế hệ. Điều đó không dễ để có thể tái định cư hay chuyển đổi việc làm trong ngày một ngày hai. Vì kinh phí đầu tư khổng lồ nên rất khó kiếm nhà đầu tư, muốn tìm một nhà đầu tư đủ năng lực và đảm bảo các điều kiện theo quy định phải cần thời gian nghiên cứu, rà soát. Hy vọng nhà nước có chính sách ưu đãi thì mới tìm được nhà đầu tư thích hợp” - bạn đọc Nguyễn Nam phân tích.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, bạn đọc Hà Linh cũng cho rằng: “Tôi cũng nghĩ vấn đề không chỉ là đền bù bao nhiêu mà còn là công ăn việc làm cho người dân nữa. Nếu làm không tốt thì giải tỏa được “ổ chuột” này lại sinh ra “ổ chuột” khác. Ở trung tâm thành phố người dân còn có kế sinh nhai, có việc làm, buôn bán. Về khu tái định cư vùng ven thì khó ổn định, đó là lý do mà họ thà chịu cảnh chật chội nhưng ít ra có cơm ăn chứ về vùng ven không có việc làm là đói luôn”
“Người dân nên đồng lòng ủng hộ bàn giao mặt bằng và chấp nhận đánh đổi di dời sang một nơi ở mới, có thể không còn được ở trong trung tâm như hiện tại nhưng đổi lại là một nơi sống khang trang, rộng rãi hơn, chất lượng đời sống tinh thần cũng tốt hơn. Thành phố thì đền bù xứng đáng rồi thu hồi đất “vàng” sử dụng làm các khu phố ăn chơi, giải trí cho hút khách du lịch.
Hoặc nếu quy hoạch đầu tư xây căn hộ hoặc làm chung cư thì dễ dàng hơn vì cho dân tái định cư tại chỗ luôn. Quan trọng là chủ đầu tư có chịu không thôi! Mong là luật đất đai và luật nhà ở mới sẽ giải quyết nhanh cho người dân đỡ khổ” - bạn đọc Hoàng Dũng hiến kế.