Bài viết “Trạm Dầu Giây: Tiền cướp khớp sổ sách” nhận được rất nhiều ý kiến từ bạn đọc.
Tại sao không nộp tiền vào ngân hàng?
Trước đó, ngày 7-2, tại trạm thu phí Dầu Giây, hai thanh niên cướp đi một số tiền. Tổng số tiền trong két sắt trước khi bị cướp là 3,2 tỉ đồng. Số tiền còn lại được kiểm đếm sau vụ cướp trên 1 tỉ đồng. Theo Tổng cục Đường bộ, số tiền bị cướp 2,2 tỉ đồng ngày 7-2 gồm tiền thu hai ngày, quỹ dự phòng khẩn cấp, doanh thu giữ lại để đổi tiền lẻ…
Bạn MinhThuan đặt câu hỏi: Tiền khớp sổ sách chỉ là một chuyện, vấn đề là tại sao để số tiền lớn như vậy trong ngày mà không nộp vào ngân hàng hay chuyển về cho công ty mẹ theo đúng quy định tài chính? Tiền mà để cả đống như vậy thì chẳng khác nào mời gọi trộm cướp đến xơi.
Bạn Ngô Nhật Anh đề xuất: Khi nào người dân tự giác mua tem tự động thu phí là sẽ biết rõ nguồn thu của từng trạm thu phí. Hiện giờ thì các phương tiện lưu thông sử dụng tem thu phí tự động còn quá ít nên tiền thu bao nhiêu chỉ có nhà đầu tư biết rõ nhất mà thôi. Cần kiểm toán và thanh tra toàn diện các trạm thu phí, xác định rõ doanh thu mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để xác định lại thời gian thu phí hoặc điều chỉnh giá thu phí, đừng để doanh nghiệp thu lợi bất chính.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam
Trong tuần, các bài viết xoay quanh sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều đã nhận nhiều ý kiến của bạn đọc. Dù giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không đạt được thêm thỏa thuận nào nhưng hội nghị được tổ chức tại Việt Nam (VN) cũng đã mở ra nhiều cơ hội tốt quảng bá hình ảnh VN.
Theo bạn ThanhHoang và nhiều bạn đọc khác thì mặc dù thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận nào nhưng nước chủ nhà là VN đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi khi vừa mới đến cũng như khi lên máy bay về nước. Về mặt quảng bá hình ảnh thì VN đã quá thành công và sẽ được thêm nhiều bạn bè quốc tế biết đến.
“Gần 3.000 nhà báo đến từ nhiều quốc gia đến VN để đưa tin về sự kiện Mỹ-Triều. Phải nói đây là cơ hội vàng để quảng bá về hình ảnh đất nước và con người VN. Việc cho tất cả nhà báo quốc tế được thưởng thức miễn phí một số món ăn đặc trưng của VN mình cũng là cách quảng bá quá hay” là ý kiến của bạn ThanhTuyen.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Cán bộ vô cảm thì xử lý thế nào?
Trong tuần, VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã đồng ý chấp nhận bồi thường cho nữ công nhân Tiết Lệ Trân với số tiền hơn 200 triệu đồng do truy tố oan. Những cán bộ được phân công thụ lý giải quyết vụ án này đều đã bị kỷ luật, một số đã nghỉ hưu.
Trước đó, giữa tháng 4-2012, chị Trân chạy xe máy chở bạn là Phạm Thị Mỹ Vân trên quốc lộ 1A từ cầu Bình Điền về chợ Bình Chánh (TP.HCM) thì xảy ra va chạm dẫn đến chị Trân bị gãy tay, thương tật 13%, còn chị Vân ngồi phía sau bị xe tải cán qua đùi gây tổn hại sức khỏe lên đến 85%.
Thế nhưng tháng 10-2014, chị Trân vẫn bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khung hình phạt đến năm năm tù). Bài viết “VKS Bình Chánh đồng ý bồi thường 200 triệu cho nữ công nhân” được nhiều bình luận của bạn đọc chia sẻ với chị Trân.
“Đủ thứ chiêu thức, thủ đoạn với mục đích cuối cùng là ép người khác nhận tội, chỉ có điều là chưa dùng nhục hình mà thôi. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ xử lý kỷ luật rồi” - một bạn đọc bức xúc.
Bạn đọc Duy Khánh thắc mắc: “Kỷ luật và nghỉ hưu là xong. Còn cán bộ vô cảm thì xử lý thế nào?”.
Bạn đọc Bảy Chương cũng có thắc mắc tương tự: “Làm cho dân oan sai, vậy bên viện kiểm sát có ai bị buộc thôi việc không?”.
“Cảm ơn báo, cảm ơn các luật sư đã lấy lại công bằng cho chị công nhân khốn khó” - bạn đọc Việt nhắn nhủ.
Tòa bảo vệ dân hay kẻ trộm? Bài “Người chém kẻ trộm vẫn bị tội giết người” cũng nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc. Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Lê Minh Phương (52 tuổi, trú Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội giết người. Đây là vụ án từng gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận về tội danh mà bị cáo bị truy tố. - Việc bị cáo phòng vệ là cần thiết và chính đáng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình. Nửa đêm bất ngờ có bóng đen xuất hiện trong nhà thì chủ nhà có quyền lập tức phòng vệ chứ không cần phải đợi kẻ trộm tấn công mình. Cao Nguyên - Tôi xin hỏi các quan tòa xử vụ này, nếu chủ nhà phát hiện trộm vô nhà và không làm gì rồi bị trộm nó đâm cho tử vong thì sao? Tòa xử như vậy có quá bất công cho chủ nhà, tòa bảo vệ người dân hay bảo vệ bọn trộm? Minhhung |