Cần thiết lập cơ quan thanh, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập

(PLO)- “Việc sở hữu chéo ai cũng nhận ra được, ai cũng biết, nhưng để nêu tên, điểm danh, chỉ mặt đặt tên thì rất khó"- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh Trịnh Xuân An nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Nêu ý kiến, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh Trịnh Xuân An (ĐBQH Đồng Nai) đánh giá việc sửa đổi toàn diện với Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ĐB Trịnh Xuân An, tại các phiên giải trình, chất vấn, thảo luận về kinh tế- xã hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước thường xuyên nhắc tới việc phòng ngừa rủi ro. Ông đánh giá đây là nội dung rất quan trọng, Luật hiện hành đã có quy định cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt thông tư về nội dung này..

“Các thiết kế trong Dự thảo đang hướng tới để phòng rủi ro cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cụ thể, nhưng cần bổ sung thêm việc phòng rủi ro mang tính chất hệ thống”- ông An đề nghị sau khi nhắc tới sự kiện SCB vừa qua, hay trường hợp Mỹ có hệ thống Ngân hàng mạnh nhưng vẫn để xảy ra những Ngân hàng đổ vỡ.

“Đề nghị thiết kế thêm quy định để phòng ngừa rủi ro mang tính hệ thống, để khi xảy ra sự cố, sự việc thì hệ thống có thể chống đỡ được ngay”- ông Trịnh Xuân An nói thêm.

Liên quan đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng, ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng vấn đề đặt ra không phải là hạn chế mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng.

“Việc sở hữu chéo ai cũng nhận ra được, ai cũng biết, nhưng để nêu tên, điểm danh, chỉ mặt đặt tên thì rất khó. Có một sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng chúng ta nếu đánh giá về sở hữu chéo. Đây là vấn đề thực sự khó”- ông An cho rằng những thiết kế trong dự thảo ‘chưa đủ mạnh’ để chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo.

Vị Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh nhận xét dự thảo chỉ quy định việc giảm tỷ lệ cổ phần, giảm phần hạn mức cấp tín dụng, nhưng đây là những giải pháp ‘mang tính rất thụ động’.

Cho rằng việc chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, ông Trịnh Xuân An kiến nghị xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng.

“Dự thảo luật tổ chức tín dụng thiết kế một điều về hoạt động thanh tra- kiểm tra của Ngân hàng, nhưng cần có một chương quy định về nội dung này. Cạnh đó, cần có một cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập”- ông An nói.

Theo ĐB, nếu làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch thì không nhất thiết phải giảm tỷ lệ cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng. “Thậm chí, chúng ta có thể cho cao hơn, nhưng chúng ta quản lý được để tổ chức, cá nhân không dám và không thể thực hiện được hành vi sử dụng tài sản Ngân hàng chéo với công ty của mình”- vẫn lời ông An.

Ngoài ra, cho hay chúng ta đang có khoảng 50 Ngân hàng, ĐBQH tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề với một nền kinh tế như Việt Nam, số lượng Ngân hàng như vậy có quá nhiều không? Theo ông, cần có sự rà soát, đánh giá một nền kinh tế như vậy có khoảng bao nhiêu Ngân hàng là đủ, tránh việc có quá nhiều Ngân hàng có thể dẫn đến sự cạnh tranh (không lành mạnh), vấn đề sở hữu chéo như đã đề cập, hoặc những rủi ro cho hệ thống.

“Trong 50 Ngân hàng đó, chúng ta có những Ngân hàng rất lớn nhưng cũng có những Ngân hàng chưa đạt chuẩn. Cần thiết phải thiết kế trong dự thảo điều luật tạo ra những giới hạn mang tính kỹ thuật”- ĐB Trịnh Xuân An đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm