Phó Thủ tướng nói về tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

(PLO)- ĐBQH cho rằng nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt là sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra đầu tháng 10-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-6, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng.

Rủi ro từ sở hữu chéo trong ngân hàng

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá của Uỷ ban Kinh tế cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực rất đáng lo ngại, bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu.

“Hệ luỵ là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống ngân hàng lại bùng lên đặc biệt là sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra đầu tháng 10-2022”- ĐB Hà Sỹ Đồng nói và đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này.

Trả lời sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là định chế đặc biệt, vừa huy động vốn, vừa cho vay. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.

Theo Phó Thủ tướng, việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng hoạt động ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn ĐBQH sáng 8-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn ĐBQH sáng 8-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Lê Minh Khái khẳng định thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm xử lý việc sở hữu chéo trong các ngân hàng. Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện hai chức năng: đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thương mại và giữ được giá trị đồng tiền.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý việc sở hữu chéo.

Ông Khái cho biết qua hồ sơ, sổ sách, chúng ta không phát hiện các trường hợp sở hữu chéo. Tuy nhiên, thực tế có thể có trường hợp đứng tên hộ, nhờ người khác đứng tên.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định vấn đề này phải có sự phối hợp giữa các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ông Lê Minh Khái sau đó cũng lưu ý trong sở hữu chéo không chỉ có vấn đề sở hữu về vốn, mà còn sở hữu về các hoạt động của ngân hàng, đầu tư tín dụng.

Phó Thủ tướng đánh giá việc này cũng rất nguy hiểm, làm méo mó hoạt động kinh tế và cũng không công khai minh bạch.

“Chính phủ đã chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc này”- ông Khái cho hay sắp tới, để hạn chế đến mức tối đa việc sở hữu chéo ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề này; hệ thống kiểm soát nội bộ để tự phát hiện ra những vấn để lệch chuẩn.

“Đây là một việc rất khó, đại biểu hỏi cũng rất khó”

Nêu câu hỏi chất vấn đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được tiến độ đề ra. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp cho vấn đề này?.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết cổ phần hóa thoái vốn rất quan trọng, là một trong những nội dung cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên thời gian qua, việc thực hiện không đạt được yêu cầu đề ra.

“Có những doanh nghiệp rất lớn, khi chúng ta cổ phần, chúng ta chỉ thoái vốn hay bán vốn được rất ít, chỉ khoảng trên dưới 1%”- Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, trong cổ phần hóa, ông Lê Minh Khái cho rằng điều khó nhất hiện nay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp.

“Hiện đang rất khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp”- ông Khái nói thêm.

Một khó khăn khác được Phó Thủ tướng nêu là “nguồn vốn của xã hội đầu tư”. Theo ông, những doanh nghiệp được nhà đầu tư quan tâm hiện đã “cổ phần hóa tương đối”, chỉ còn lại những doanh nghiệp nhà nước khó khăn, không hấp dẫn khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn càng thêm khó khăn.

“Đây là một việc rất khó, đại biểu hỏi cũng rất khó”- Phó Thủ tướng thừa nhận.

Khẳng định Chính phủ “rất quan tâm chỉ đạo việc này”, Phó Thủ tướng cho hay thời gian tới, Chính phủ sẽ căn cứ quy định của pháp luật để đánh giá đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó có giải pháp, phương án sắp xếp góp phần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời bảo toàn phát triển được nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm