Cần Thơ: Dự án Trung tâm giống thủy sản hơn 155 tỉ, sau 14 năm mới bắt đầu khai thác

(PLO)- Dự án Trung tâm giống thủy sản cấp 1 TP Cần Thơ có mức đầu tư từ 80 tỉ tăng lên 155 tỉ, mất 14 năm thực hiện mới bắt đầu khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-12, kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Dũng nêu: Trong kỳ họp Quốc hội từ ngày 20-10 đến 18-11 vừa qua, Quốc hội có chỉ tên 3.085 dự án “làm nghèo đất nước”. Trong đó TP Cần Thơ có một dự án sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả là Dự án Trung tâm giống thủy sản cấp 1 Cần Thơ.

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Dũng nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NHẪN NAM

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Dũng nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NHẪN NAM

“Xin hỏi giám đốc Sở NN&PTNT lý giải việc này ra sao, giải pháp trong thời gian tới trong hoạt động của Trung tâm này như thế nào?” – ông Dũng nêu câu hỏi.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sử cho biết, dự án Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 tại huyện Vĩnh Thạnh được UBND TP phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng.

Năm 2011, UBND TP có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 155 tỉ, thời gian thực hiện 2008-2013.

Trung tâm này có mục tiêu nhằm bảo tồn các loài giống thủy sản có giá trị kinh tế của toàn vùng ĐBSCL; nghiên cứu thực nghiệm để tạo ra những loài giống thủy sản có chất lượng cao, sản xuất đại trà phục vụ sản xuất của TP và các tỉnh trong vùng…

Tuy nhiên do phát sinh về công tác giải phóng mặt bằng nên thời gian điều chỉnh kéo dài đến năm 2019. Thời gian thi công từ cuối năm 2012 đến hết năm 2021. Hiện nay hồ sơ thủ tục đang được cơ quan chuyên môn thẩm định, quyết toán theo quy định.

Theo ông Sử, Trung tâm này có diện tích hơn 20 ha, sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, có tên là cơ sở 2 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT.

Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, từ năm 2021 khi công trình chuẩn bị hoàn thiện, đơn vị đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, cải tạo ao nuôi, kiểm tra hệ thống kỹ thuật đảm bảo yêu cầu sớm đưa vào khai thác…

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Sử trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn ngày 9-12. Ảnh: NHẪN NAM

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Sử trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn ngày 9-12. Ảnh: NHẪN NAM

Trong năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm đã khai thác, đi vào hoạt động như chủ động bố trí đàn cá giống như cá tra giống, cá đặc sản với quy mô 5.000 con cá tra hậu bị để sản xuất cá bột cung cấp cho thị trường, sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực… Kết quả đến nay đã cho ra thị trường 2,3 triệu con cá giống gồm cá tra, chép; đang thả ươm 4 triệu cá chép bột.

“Nhìn chung, do gặp nhiều khó khăn nên dù ngành đã hết sức nỗ lực nhưng mới đạt kết quả như vậy. Ngành nhận thấy kết quả này chưa xứng tầm, chưa như mong muốn lãnh đạo và bà con cử tri”- Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá.

Ông Sử cho biết, sắp tới triển khai tám nhiệm vụ, đáng chú ý như khai thác cơ sở vật chất đồng bộ, hợp tác liên kết huy động nguồn vốn, công nghệ, tham gia chuỗi liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra; đa dạng hóa hoạt động sản xuất; tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu hợp tác khảo nghiệm giống, tiếp nhận giải pháp công nghệ…

Sau khi nghe phần trả lời của ông Sử, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Hiểu đề nghị Giám đốc Sở và ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, vì Trung tâm này không chỉ bảo vệ nguồn gen giống quý hiếm, bên cạnh đó phải làm sao phục vụ nhu cầu giống thủy sản trong vùng, tránh lãng phí nguồn nhân lực, tiền bạc đất đai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm