Ngày 16-8, UBND TP Cần Thơ có tờ trình về việc trình Thường trực HĐND dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ.
Người bán vé số ở Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH
Theo tờ trình, ngày 11-8, UBND TP trình HĐND TP dự thảo Nghị quyết trên, dự kiến thông qua tại kỳ họp HĐND TP giữa năm 2021. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Căn cứ điểm c, Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 268/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể là “Giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất”.
Căn cứ vào thẩm quyền được giao của Thường trực HĐND nêu trên và tình hình thực tế, nhằm kịp thời chia sẻ một phần khó khăn, giúp ổn định cuộc sống của người lao động (NLĐ) tự do trong giai đoạn hiện nay… UBND TP trình Thường trực HĐND TP dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do làm một trong các loại công việc sau (chia thành 5 nhóm):
-Bán lẻ xổ số lưu động.
-Bốc vác; phụ hồ; thu mua phế liệu; vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy (xe ôm truyền thống), xe đạp (kể cả xe đạp máy).
-Bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ (bán thức ăn, thức uống, thực phẩm trước cửa nhà); bàn hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi.
-Phục vụ, giúp việc trong hoạt động ăn uống, lưu trú, du lịch.
-Làm các loại dịch vụ: chăm sóc sức khỏe (mát –xa, xông hơi, giác hơi, bấm huyệt, vật lý trị liệu); làm đẹp (chăm sóc da, cắt tóc, uốn tóc, gội đầu, làm móng); rửa xe; sửa xe; sửa chữa đồ gia dụng.
Tiêu chí hỗ trợ là NLĐ tự do, không thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, không thuộc hộ kinh doanh có đăng ký mã số thuế, cư trú hợp pháp trên địa bàn TP (có hộ khẩu, trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan có thẩm quyền xác nhân) trước khi bị ngừng việc hoặc mất việc làm theo quyết định, văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
NLĐ cùng lúc làm nhiều loại công việc (trong 5 nhóm trên) chỉ được hưởng mức hỗ trợ của một loại công việc. Các đối tượng đã được hỗ trợ theo các chính sách khác quy định tại Nghị quyết 68 thì không được hỗ trợ theo chính sách quy định tại nghị quyết này, trừ đối tượng quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết 68. Không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người. Phương thức là chi hỗ trợ một lần.