Cần Thơ thông tin về một số công trình trọng điểm và thực hiện cơ chế đặc thù

(PLO)- Tại họp báo định kỳ quý I, UBND TP Cần Thơ đã thông tin về một số công trình trọng điểm và việc thực hiện cơ chế đặc thù mang tính toàn vùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-4, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài định kỳ quý I-2023 để thông tin về các tình hình kinh tế, xã hội của TP.

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - thông tin một số vấn đề báo chí nêu tại buổi họp báo. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - thông tin một số vấn đề báo chí nêu tại buổi họp báo. Ảnh: NHẪN NAM

Tại đây, một số cơ quan báo chí đã nêu câu hỏi về việc triển khai thực hiện một số cơ chế đặc thù dành cho TP Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Quốc hội và tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.

Liên quan hai dự án cao tốc, ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT - cho biết, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau chiều dài cao tốc qua Cần Thơ 0,6km, có một nút IC2, đường nối vào cao tốc là 9,2km, 638 hộ, kinh phí 1.058 tỉ. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chuyển 618 tỉ và quận Cái Răng đã chi hết cho 320 hộ, 300 hộ còn lại với kinh phí 576 tỉ nữa, Ban Mỹ Thuận đang làm thủ tục để chuyển lại cho Cái Răng chi hết, khi chi hết cho bà con thì bà con sẽ bàn giao hết mặt bằng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện đang triển khai lập thiết kế kỹ thuật, các quận, huyện đang triển khai giải phóng mặt bằng, phấn đấu 30-6 khởi công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về cải tạo Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7, ông Dũng cho biết TP đang nghiên cứu đề xuất chứ chưa có vốn thực hiện. Đối với việc cải tạo 5 nút giao thông trọng điểm, UBND quận Ninh Kiều đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong quý 2 duyệt báo cáo này thì có các bước tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin một số nội dung tại cuộc họp báo chiều 14-4. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin một số nội dung tại cuộc họp báo chiều 14-4. Ảnh: NHẪN NAM

Trả lời thêm về việc này, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP - cho biết, UBND có danh mục các công trình trọng điểm đầy đủ gửi thêm các cơ quan báo chí để nắm thông tin đầy đủ…

Liên quan công tác chỉ đạo đối với các công trình, dự án trọng điểm, ông Hiển cho biết, UBND TP thành lập bốn tổ giao cho bốn Phó Chủ tịch UBND TP đảm trách, mỗi người mấy dự án. Thành ủy cũng có quyết định phân công các thành viên trong Ban Thường vụ mỗi người làm tổ trưởng phụ trách một số công trình dự án trọng điểm, để theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt nắm những khó khăn vướng mắc để báo cáo Ban chỉ đạo xử lý kịp thời.

Với cách làm như vậy, ông Hiển cho rằng thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và các công trình trọng điểm được thực hiện một cách nhanh chóng, chất lượng, đảm bảo quy định.

Đối với 7km còn lại Quốc lộ 91, ông Hiển cho biết đang giai đoạn nghiên cứu đề xuất. Tuyến này tuy chỉ có 7km thôi nhưng dự kiến chi phí đền bù hơn 7.000 tỉ, còn chi phí xây lắp chỉ hơn 1.000 tỉ. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn cho TP Cần Thơ, nếu thuận lợi thì TP được bố trí đợt 1 hơn 3.000 tỉ để thực hiện, số vốn tập trung trong hai năm 2023-2024 để giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến hai cơ chế trong Nghị quyết 45 mang tính vùng là nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An, Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Ông Dương Tấn Hiển cho biết, hai dự án trên không phải TP quyết được mà còn phụ thuộc các bộ ngành Trung ương. Trong đó, Đề án thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đã trình tới Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ, đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Khi nào được Thủ tướng phê duyệt đề án thì TP sẽ triển khai ngay Trung tâm này.

Đối với chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An – Cần Thơ, Sở GTVT cho biết, dự án này do Cục Hàng hải Việt Nam tham mưu Bộ GTVT phê duyệt.

Thời gian qua, UBND TP đã phối hợp chặt chẽ với Cục làm được một số việc, như tổ chức hội nghị về nội dung dự án này; có đề xuất cho Bộ GTVT xem xét chiều sâu nạo vét từ 6.5 xuống tới 10.5 để tàu 10.000 tấn đi vào luồng này. Bộ GTVT có kết luận giao cho Cục Hàng hải phối hợp Cần Thơ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo quy định; có nghiên cứu chuyên sâu về dự án để đảm bảo tàu 10.000 tấn đi vào. TP có văn bản giới thiệu một số nhà đầu tư cho Cục Hàng hải triển khai…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm