“Thực tiễn cho thấy các tranh chấp trên biển Đông hiện nay đã và sẽ ngày càng phức tạp. Trong đó, nhiều nước kể cả Trung Quốc đã công khai tuyên bố sản xuất loại tàu lưỡng dụng. Loại tàu này không chỉ sử dụng cho mục đích dân sự, kinh tế mà còn sử dụng cho mục đích quân sự khi cần thiết. Trong khi đó, dự thảo luật dường như chưa cập nhật những thông tin này mà vẫn có sự phân biệt tàu dân sự và tàu quân sự. Theo tôi, không nên có sự phân biệt như vậy” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất.
Dự thảo quy định nghiêm cấm việc ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển. Tuy nhiên, theo ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), nếu không quy rõ nội dung này thì có thể dẫn đến lợi dụng việc đi lại tự do trên biển để xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam.
Theo ĐB Lan, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài ở vùng lãnh hải 12 hải lý. Nhưng không quy định đó là tàu chiến hay tàu chở hàng. “Cần cảnh giác với quy định nửa vời này vì có thể nó sẽ bị lợi dụng để người ta vi phạm chủ quyền trên biển của quốc gia khác” - ĐB Lan lưu ý.
Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), việc giao các vùng đất, vùng nước, bến cảng tại các vị trí đắc địa cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư xây dựng cảng và khai thác như ở ta hiện nay vô hình trung chúng ta làm mất đi lợi thế ở các vị trí địa lý này. Điều này cần hết sức lưu ý.
HOÀNG VÂN