Sau một khảo sát 732 người có cả nam và nữ, các nhà khoa học tại ĐH Columbia (Mỹ) nhận thấy những cặp đôi hạnh phúc nhất không cần thiết phải là những cặp đôi gần gũi, thân mật nhau nhất.
Đúng hơn, những người có mức độ thân mật “thực tế” giống với mức độ thân mật “lý tưởng” mà họ muốn, chính là những người có hài lòng và hạnh phúc nhất với mối quan hệ của họ, bất chấp mức độ thân mật thực tế là bao nhiêu.
Những người tham gia được hỏi về tình trạng hiện tại và tình trạng lý tưởng họ muốn về sự thân mật, sự hài lòng, những bất đồng, suy nghĩ chia tay và các triệu chứng trầm cảm. 50% người tham gia cho biết khoảng cách giữa họ và người bạn đời là quá lớn, 37% cho biết họ hài lòng với mức độ thân mật hiện tại và 5% cho rằng họ gần gũi quá mức.
Kết quả trên cho thấy để đạt được sự cân bằng và hợp lý về mức độ thân mật giữa hai người không phải là dễ dàng, nó thường xuyên xảy ra lệch pha.
Khảo sát còn một phần quan trọng nữa là liên kết giữa kết quả trên với các biểu hiện căng thẳng, trầm cảm của mỗi cá nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng càng khác biệt thân mật (lệch pha) bao nhiêu thì khả năng mắc chứng trầm cảm càng cao bấy nhiêu. Khác biệt thân mật ở đây không phải là ít hay nhiều mà là độ lệch giữa mức độ thân mật họ đang có và mức độ thân mật họ muốn có.
Những mối quan hệ tồi tệ nhất và các triệu chứng trầm cảm có liên quan với tình trạng cảm thấy độ chênh lệch quá ít hoặc quá nhiều so với mong muốn. Trong khi đó, những người có sự hài hòa về mức độ thân mật giữa “muốn” có và “đang” có thì sự hài lòng của họ gần như là chắc chắn và họ không hoặc rất ít có dấu hiệu trầm cảm.
BS David Frost, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sẽ không tốt nếu quan tâm quá nhiều đến các khái niệm và chỉ dẫn về điều gì sẽ làm nên mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc. Thay vào đó, hãy lắng nghe người bạn đời của mình về việc họ đang cảm thấy như thế nào về sự thân mật hiện tại, theo họ thì mức độ thân mật như thế nào là lý tưởng”. Khi hai điều này tương đồng với nhau, hạnh phúc sẽ đến gần hơn.