Căng thẳng ở Nga và Phương Tây: hạ nhiệt hay ‘chiến tranh lạnh 2.0’ ?

Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ Kiev, Nga, phương Tây và Mỹ cũng bắt đầu công bố các bước nhằm “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng đã kéo nửa năm ở Đông Âu.

Tiếp tục đàm phán Hòa Bình

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin cho biết các cuộc đàm phán ba bên giữa Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về tình hình Donbass có thể được tổ chức trong “tương lai gần nhất”.

Các cuộc đàm phán hòa bình ba bên sẽ được tổ chức trong “tương lai gần nhất” (Ảnh: AFP)

Ông Klimkin cũng loại trừ bất kỳ khả năng đàm phán trực tiếp giữa Bộ Ngoại giao Ukraine và các nhà lãnh đạo lực lượng ly khai.

Các cuộc đàm phán trong tương lai được xem như là bước nối tiếp những thành quả đã đạt được trong cuộc đàm phán lệnh ngừng bắn tại Minsk hôm 5-9 giữa Ukraine, Nga và OSCE.

Trong khi đó ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về tình hình Ukraine và việc vận chuyển khi đốt từ Nga sang Châu Âu.

Thông tấn xã RIA Novosti dẫn nguồn tin từ điện Kremlin: "Ông Putin và bà Merkel đã trao đổi ​​về tình hình vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang EU và các nước thành viên, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý rằng các cuộc đàm phán hòa bình ba bên nên tiếp tục".

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình ở Ukraine, tập trung vào tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn của các bên của cuộc xung đột cũng như sự hiệu quả trong hoạt động giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), điện Kremlin nói thêm.

Washington xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf nói với phóng viên hôm 15-9, Hoa Kỳ sẽ xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga nếu thỏa thuận ngừng bắn Minsk được phía ly khai chấp hành nghiêm chỉnh ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, nếu tình hình căng thẳng ở Ukraine tiếp tục leo thang, các biện pháp trừng phạt không những không bị dỡ bỏ mà còn được Washington xem xét bổ sung.

Phía Hoa Kỳ cáo buộc lực lượng ly khai đã tấn công các quan sát viên đang làm nghĩa vụ giám sát hòa bình của OSCE (rất may không có ai bị thương) và pháo kích sân bay Donetsk. Đáp trả tuyên bố này, lãnh đạo Zakharchenko của Nước Cộng Hòa Nhân Dân tự xưng Donetsk đưa ra lời cáo buộc ngược lại nhằm vào quân đội chính phủ Kiev.

 Ông Putin nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Đức Merkel hôm thứ hai (Ảnh: RIA Novosti)

Một lệnh trừng phạt mới vừa được Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga hôm 12-9 do các cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai. Lệnh trừng phạt này ngăn cấm việc tiếp cận các tài khoản tín dụng của EU và Mỹ từ các ngân hàng lớn của Nga cũng như các công ty dầu khí, công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó nó còn cấm luôn việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật đối với các công ty dầu khí Nga.

Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can dự vào tình hình Ukraine từ phương Tây, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt như vậy sẽ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định Thế Giới.

“Phương Tây đang đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới”?

Trong khi đó, chính quyền Nga vẫn kịch liệt lên án các lệnh cấm vận mới của phương Tây. Người phát ngôn Hạ viện Nga, Sergei Naryshkin cáo buộc: Chính sách “hoài nghi và vô trách nhiệm” của Mỹ và các nước đồng minh đang đẩy thế giới đến bờ vực của “một cuộc chiến tranh lạnh mới”.

Phó Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga sẽ không bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ về các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp” mà Washington đã áp đặt lên Moscow.

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, ông cho biết: “Chúng tôi xem các biện pháp trừng phạt đơn phương, áp đặt vượt quá thẩm quyền lãnh thổ, là bất hợp pháp và vi phạm luật quốc tế. Do đó không có lý do và không có dự định đàm phán về những vấn đề đó ở bất kì cấp độ nào.”

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiên định và nhất quán. Có hay không có các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến những chuyện mà chúng tôi đã làm và sẽ làm trong mối quan hệ với Kiev, đến những gì mà chúng tôi đã gợi ý và giữ lời hứa trong việc thúc đẩy sự ổn định ở vùng đông nam và khởi động một tiến trình chính trị nội bộ ở Ukraine”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm