Canh bạc mạo hiểm của ông Trump khi chọn bà Barrett

Trong cuộc họp báo hôm 26-9 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố quyết định đề cử bà Amy Coney Barrett (48 tuổi) làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ nhằm thay thế bà Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời hồi tuần trước, theo hãng tin AP.

“Thẩm phán Amy Coney Barrett là một phụ nữ cực kỳ thông minh và cá tính. Tôi đã để ý, xem xét kỹ và bà ấy là nhân vật rất xứng đáng để làm tân thẩm phán Tòa án Tối cao” - ông Trump khẳng định.

Được đánh giá là chính khách có quan điểm bảo thủ, một khi bà Barrett được phê chuẩn, Tòa án Tối cao Mỹ cũng sẽ có số thẩm phán bảo thủ áp đảo (sáu người) so với ba thẩm phán theo quan điểm cấp tiến.

Bà Barrett là ai?

Bà Amy Coney Barrett đang là thẩm phán Tòa phúc thẩm số 7 của TP Chicago, bang Illinois. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà sẽ trở thành nữ thẩm phán thứ ba tại Tòa án Tối cao Mỹ, bên cạnh hai bà Sonia Sotomayor và Elena Kagan do cựu tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama đề cử. Về trình độ chuyên môn, bà Amy Coney Barrett từng là giáo sư luật tại ĐH Notre Dame ở bang Indiana. Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí thư ký của cố thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia đã qua đời vào năm 2016.

Năm 2017, bà Barrett từng được ông Trump cân nhắc đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho ông Anthony Kennedy nghỉ hưu vào năm 2018. Tuy nhiên, thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang Brett Kavanaugh lại là lựa chọn cuối cùng.

Hiện đảng Cộng hòa đang xem xét tổ chức các phiên điều trần của bà Amy Coney Barrett trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện vào ngày 16-10 và chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu xác nhận vào cuối tháng.

Thẩm phán Amy Coney Barrett (phải) và Tổng thống Donald Trump (trái) trong họp báo ngày 26-9 ở Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Củng cố chiến dịch tranh cử của ông Trump

Theo đài Fox News, việc chọn bà Amy Coney Barrett là một quyết định khá hợp lý trong lúc nhà lãnh đạo này đang bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước về tỉ lệ ủng hộ tại một số bang chiến địa, thậm chí ngay cả ở các bang có truyền thống bầu cho đảng Cộng hòa.

Cụ thể, khảo sát hồi tháng 9 của tờ The New York Times chỉ ra tại bang Iowa, ông Biden dẫn trước ông Trump với tỉ lệ lần lượt là 45% và 42%. Tại Georgia, hai ông cùng đạt tỉ lệ xấp xỉ ngưỡng 45% nhưng cử tri nữ có cảm tình với ông Biden hơn ông Trump. Ngược lại, tỉ lệ ủng hộ ở cử tri nam dành cho ông Trump cao hơn ông Biden. Lợi thế từ cử tri nam cũng giúp ông Trump dẫn trước ông Biden ở Texas với tỉ lệ ủng hộ 46%, cách biệt 3%.

Các cố vấn chính trị của ông Trump kỳ vọng thiên hướng bảo thủ của bà Barrett sẽ đủ sức giữ lại nhóm cử tri bảo thủ trung thành của ông, giúp chủ nhân Nhà Trắng có thêm thời gian tập trung vận động các nhóm khác khó thuyết phục hơn như nhóm cử tri da màu hay nhóm cử tri trẻ tuổi.

Tuy nhiên, đề cử của ông Trump vẫn có nguy cơ làm bùng lên một cuộc tranh cãi dữ dội bởi đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số trong Thượng viện nên chắc chắn sẽ dễ dàng phê chuẩn cho bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao khi chưa đầy hai tháng nữa kỳ bỏ phiếu tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này.

Hành động này hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược với chính lối hành xử của đảng Cộng hòa hồi năm 2016 khi Thượng viện do đảng này kiểm soát lúc đó liên tục từ chối ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Merrick Garland do Tổng thống Barack Obama đề cử cũng với lý do chờ sau cuộc bầu cử cùng năm.

Dù vậy, những tranh cãi xung quanh bà Barrett trên thực tế vẫn sẽ đem lại một số lợi thế nhất định cho ông Trump, đài CNN bình luận. Đầu tiên, dư luận sẽ tập trung mổ xẻ tính chính danh trong hành động của Thượng viện mà ít chú ý đến những thông tin tiêu cực về ông như thất bại trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 làm hơn 200.000 người tử vong, tình trạng suy thoái kinh tế và gần đây nhất là việc nhà lãnh đạo này không đưa ra cam kết cụ thể về tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình hậu bầu cử 2020.

Hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump khẳng định việc thông qua bà Barrett phải hoàn thành xong trước ngày bỏ phiếu để Tòa án Tối cao đủ người xử lý các hành vi gian lận kết quả do ông từng cảnh báo phe Dân chủ sẽ tìm mọi cách thao túng bầu cử năm nay. Nếu có sáu thẩm phán bảo thủ và ba thẩm phán cấp tiến, Tòa án Tối cao có thể đưa ra những phán quyết có lợi cho ông Trump và đảng Cộng hòa hơn.

Ứng viên Joe Biden ngày 26-9 chỉ mới đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về bà Amy Coney Barrett rằng Thượng viện nên lắng nghe người dân và hoãn việc thông qua đến sau bầu cử, còn lại không bình luận gì thêm. 

Đảng Dân chủ phản ứng ra sao?

Bình luận với tờ The Washington Post về ứng viên Amy Coney Barrett, hạ nghị sĩ Dân chủ Jan Schakowsky cho biết không quá lo ngại cho ông Joe Biden vì quan điểm quá bảo thủ của bà Barrett ngoài việc củng cố cử tri trung thành cho ông Trump thì sẽ không giúp đương kim tổng thống có thêm cử tri mới nào khác.

“Tôi nghĩ bà ấy thậm chí sẽ còn khiến tỉ lệ phụ nữ trẻ đi bỏ phiếu cho ông Biden gia tăng. Còn nhớ bà Barrett là một trong những nhân vật rất cứng nhắc về vấn đề tự do nạo phá thai. Nếu trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao, bà ấy sẽ có quyền quyết định liệu việc tự do nạo phá thai có phù hợp với hiến pháp hay không, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân Mỹ” - hạ nghị sĩ Schakowsky cho hay.

Một cuộc thăm dò dư luận của The Washington Post phối hợp cùng đài ABC News tiến hành trong tuần này cho thấy đa số người ủng hộ đảng Dân chủ phản đối nỗ lực thông qua tân thẩm phán tối cao mới trước ngày bầu cử của ông Trump và Thượng viện.

Theo đó, 38% người được hỏi nói rằng việc lựa chọn ứng viên thay thế cựu thẩm phán Ginsburg nên để Tổng thống Trump và Thượng viện quyết định, trong khi 57% nêu rõ điều này nên để người thắng cử tổng thống và Thượng viện mới quyết định vào năm 2021.

Phe Dân chủ muốn rút ngắn nhiệm kỳ thẩm phán tối cao

Đài CNN cho biết các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ ở Hạ viện đang gấp rút chuẩn bị một dự luật rút ngắn nhiệm kỳ trọn đời của thẩm phán Tòa án Tối cao xuống 18 năm và dự kiến sẽ công bố trong vài ngày tới. Theo quy định của hiến pháp Mỹ, thẩm phán tối cao được bổ nhiệm trọn đời, nghĩa là họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu.

Các thẩm phán này sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 18 năm nếu muốn tiếp tục phục vụ sẽ được chuyển công tác xuống các tòa án cấp thấp hơn. Dù vậy, chỉ những cá nhân được bổ nhiệm sau thời điểm dự luật được thông qua mới bị điều chỉnh.

Ngoài ra, các thẩm phán sau khi phục vụ 18 năm tại Tòa án Tối cao sẽ được gọi là thẩm phán cấp cao. Nếu một thẩm phán đương nhiệm qua đời hoặc bị bãi nhiệm, thẩm phán cấp cao sẽ tạm thời quay lại vị trí cũ cho tới khi bổ sung được người mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm