Số liệu thống kê mới nhất từ các cơ quan chức năng cho thấy thịt ngoại nhập giá rẻ đang ồ ạt đổ vào Việt Nam (VN), nhất là từ khi nổ ra thương chiến Mỹ-Trung. Trong khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vẫn đang loay hoay chống chọi.
Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, về vấn đề này.
Gà nhập khẩu quá rẻ so với trong nước
. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng sở dĩ thịt gà ngoại ồ ạt đổ bộ vào VN là do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
+ Ông Nguyễn Thanh Sơn: Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2018 nước ta sản xuất được gần một triệu tấn thịt hơi gia cầm và hơn 11,4 tỉ quả trứng. Nhưng theo tính toán của Hiệp hội Gia cầm VN, sản lượng thịt gia cầm nước ta sản xuất trong năm 2018 ước tính trên hai triệu tấn và hơn 15 tỉ quả trứng.
Với sản lượng như vậy đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
. Sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu nhưng vì sao lượng hàng nhập khẩu rất lớn?
+ Theo tôi, nguyên nhân chính là do giá nhập khẩu thịt gà quá rẻ. Ví dụ, thịt gà đông lạnh nhập từ Mỹ gồm cánh, đùi, chân và gà xay có giá trung bình chỉ khoảng 17.000-23.000 đồng/kg.
. Theo ông, vì sao giá gà Mỹ nhập về đến VN lại rẻ như vậy?
+ Hiện giá gà Mỹ nhập khẩu về đến VN chỉ xấp xỉ khoảng 1 USD/kg, thấp hơn giá thành sản xuất ở Mỹ.
Thứ nhất, phần lớn thịt gà nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là cánh, đùi, chân được coi là sản phẩm phụ ở Mỹ. Thứ hai, có thể các lô thịt gà nhập khẩu đã tồn kho lâu, gần hết hạn. Thứ ba, sau khi thương chiến nổ ra, Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa. Số hàng này sẽ được Mỹ đẩy sang các thị trường khác, trong đó có VN.
“Có tình trạng lách luật”
. Nhập sản phẩm phụ có phổ biến ở các nước không?
+ Lâu nay người tiêu dùng nước ta vẫn coi các sản phẩm như cánh, cổ, đùi và chân gà là sản phẩm chính. Trong khi thị trường Mỹ lại chuộng thịt ức gà, còn các bộ phận khác như đùi, cánh, chân... là sản phẩm phụ, có giá rẻ.
Hiện nay nước ta chưa có quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm được coi là sản phẩm phụ trên. Trong khi đó, một số nước trên thế giới như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan có quy định cấm sử dụng loại gà đẻ loại thải làm thực phẩm cho người vì tồn dư nhiều chất độc hại trong thịt và nội tạng.
. Nhiều ý kiến cho rằng có tình trạng gà, heo… ồ ạt nhập vào VN để né thuế suất?
+ Có tình trạng trên. Lý do là hiện nay các doanh nghiệp lách luật bằng cách nhập khẩu loại gà bị cắt đầu, cắt chân để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 20%, thay vì 40% như nhập khẩu gà nguyên con.
Đùi gà, cánh gà, chân gà… ngoại nhập ồ ạt khiến ngành chăn nuôi Việt Nam lao đao. Ảnh: TÚ UYÊN
Áp dụng công nghệ mới để đấu với thịt ngoại
. Việc thực phẩm ngoại nhập, nhất là từ Mỹ, vào VN giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với thị trường sản xuất nông sản trong nước?
+ Tôi cho rằng thịt gà giá rẻ đổ bộ ồ ạt vào thị trường nước ta không chỉ gây quan ngại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước. Ví dụ, suốt từ cuối năm 2018 đến nay, giá bán thịt và trứng gà sản xuất trong nước luôn đứng ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Hậu quả là nhiều hộ gia đình, trang trại và doanh nghiệp bị thua lỗ nặng nề.
Trên thực tế, thịt gà công nghiệp nhập khẩu đang đè bẹp sản xuất gà công nghiệp lông trắng trong nước.
. Trước làn sóng thịt gà giá rẻ được nhập ồ ạt về VN, hiệp hội có giải pháp nào để ứng phó?
+ Hiệp hội Gia cầm VN kiến nghị các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt. Theo đó, cần siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật đối với gà loại thải nhập khẩu từ các nước; xem xét điều chỉnh thuế suất nhập khẩu với loại gà cắt đầu, cắt chân. Song song đó cần tăng cường kiểm tra chất lượng thịt gà nhập khẩu. Cụ thể như cần kiểm tra bao bì, hạn sử dụng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm…
. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các trang trại, công ty trong nước làm gì để tăng khả năng cạnh tranh trước hàng ngoại nhập, thưa ông?
+ Tôi cho rằng đã đến lúc ngành chăn nuôi gia cầm VN phải đẩy mạnh tái cơ cấu một cách mạnh mẽ. Đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất vật nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm tiệm cận với giá thành bình quân của thế giới. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước bằng chính sách kích cầu.
Trước mắt, để thích ứng với tình hình mới, các hội viên cũng đã chủ động áp dụng một số biện pháp kỹ thuật, quản lý mới nhằm hạ giá thành và thay đổi cơ cấu sản phẩm.
. Xin cám ơn ông.
Nhập 280 tấn cánh gà, hơn 2.000 tấn chân gà… Mỹ Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan vừa công bố, VN đã nhập khẩu 142.190 tấn thịt gà với trị giá hơn 120 triệu USD trong sáu tháng đầu năm nay. Con số này nhiều hơn so với lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2018 là 128.000 tấn, trị giá 116 triệu USD. VN nhập khẩu mặt hàng thịt gà chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil và Nga. Trong đó, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào VN với hơn 62.400 tấn, trị giá 48,6 triệu USD, gồm bốn loại là cánh gà, đùi gà, thịt gà xay và chân gà. Cụ thể, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 280 tấn cánh gà, 59.529 tấn đùi gà, 466 tấn thịt gà xay và 2.143 tấn chân gà. Tính trung bình, mỗi kg cánh gà, đùi gà đông lạnh về VN có giá nhập trung bình lần lượt là 16.428 đồng và 17.470 đồng. Trong khi đó giá nhập khẩu bình quân của thịt gà xay là 26.180 đồng/kg, chân gà là 28.651 đồng/kg. Không chỉ gà mà theo Tổng cục Hải quan, mức tăng trưởng hàng nông sản (tôm hùm, thịt heo, rau quả…) xuất khẩu từ Mỹ qua VN sáu tháng đầu năm đạt hơn 20%. Riêng với rau quả, mức tăng trưởng là 70%. |
Đáng tiếc cho gà Việt Nam Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết hiện nay các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống gà… nhập từ Mỹ về VN có giá rẻ. Do vậy, nếu được chăn nuôi theo đúng quy trình thì gà VN sẽ có giá thành tốt, cạnh tranh được với gà Mỹ nhập về. Nhưng đáng tiếc là nhiều người chăn nuôi không đúng quy trình, chi phí sản xuất cao đã đẩy giá thành sản phẩm lên. Hiện chi phí chăn nuôi một con gà VN khoảng 1,2 USD/kg (trong khi gà Mỹ nhập về VN giá chỉ khoảng 1 USD/kg, PV). |