Cảnh sát giao thông sẽ xử lý ra sao khi người gây ra vụ tai nạn bỏ chạy?

(PLO)- Trường hợp người, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ bỏ chạy, Cảnh sát giao thông có quyền phối hợp các đơn vị liên quan để truy bắt, truy tìm người gây tai nạn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 72/2024, quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Tại Điều 6 quy định về việc giải quyết ban đầu khi cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ hoặc được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường phải thực hiện những nhiệm vụ sau: Tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; Tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc.

vụ tai nạn
Khi có vụ tai nạn, Cảnh sát giao thông sẽ tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; Tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc... (Ảnh minh hoạ)

Trong đó, tại khoản 4 của Điều 6 có nêu rõ trường hợp người, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ bỏ chạy, ngoài việc phải thực hiện theo quy định tại ở trên, đồng thời xác minh thông tin chi tiết về đặc điểm người gây tai nạn bỏ chạy; loại phương tiện, màu sơn, biển số của phương tiện (tra cứu trên hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện), đặc biệt là những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy.

Cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ đối chiếu, xác định những dấu vết hình thành trong quá trình va chạm. Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, thông báo cho các đơn vị Cảnh sát giao thông trên tuyến phối hợp truy bắt, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để truy tìm.

Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông đường bộ bỏ chạy, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy hoặc nhiệm vụ khẩn cấp khác thì thực hiện quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự theo quy định tại Điều 68 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.

Tiếp đó, cán bộ Cảnh sát giao thông sẽ thu thập thông tin ban đầu, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định sơ bộ hậu quả thiệt hại ban đầu về người và tài sản ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Khi thực hiện các nhiệm vụ trên, nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết, có nguy cơ chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân; chấn thương sọ não; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ xác định tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc có căn cứ xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:

Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết; Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết;

Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ không thuộc điểm a Khoản này mà thuộc trách nhiệm điều tra giải quyết của Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh nếu xác định vụ tai nạn giao thông đường bộ có khả năng có dấu hiệu tội phạm được quy định tại một trong các điều 260, 261, 262, 263, 264 và 281 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông phải báo cáo Cục trưởng, cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh phải báo cáo Trưởng phòng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định tại Điều 38 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021);

Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b Khoản này thì phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Trong quá trình xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ, nếu có người bị thương đang điều trị mà chết hoặc có cơ sở xác định nguyên nhân chết do vụ tai nạn giao thông đường bộ gây ra thì thực hiện như sau:

Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết;

Đối với cán bộ Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm