Một tuần sau khi máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 người mất tích, ngày 15-3, từ thông tin của Thủ tướng Malaysia Najib Razak công bố tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur (Malaysia) cho thấy máy bay MH370 vẫn phát tín hiệu cho vệ tinh sáu tiếng sau khi mất liên lạc.
Hai hành lang tìm kiếm mới
Báo The Guardian (Anh) tường thuật tại cuộc họp báo, Thủ tướng Najib Razak thông báo căn cứ thông tin vệ tinh mà đội điều tra quốc tế (Mỹ, Anh và Malaysia) cung cấp, Malaysia khẳng định chắc chắn rằng hệ thống báo cáo và xử lý thông tin máy bay (ACARS) đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi máy bay bay tới bờ đông bán đảo Malaysia.
Kế tiếp, khi máy bay bay đến biên giới biển Malaysia và Việt Nam, bộ phát đáp cũng bị tắt.
Từ điểm này, radar không quân Malaysia bắt được tín hiệu một máy bay vòng trở lại theo hướng tây băng qua bán đảo Malaysia rồi ngoặt lên hướng tây bắc. Sau khi phân tích dữ liệu vệ tinh, Malaysia kết luận đó chính là máy bay MH370.
Malaysia cho rằng ai đó đã cố tình tắt hai hệ thống báo cáo dữ liệu và đổi hướng bay.
Thủ tướng Najib Razak (giữa) tại cuộc họp báo ngày 15-3. Ảnh: REUTERS
Ông Najib Razak nói tín hiệu cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh được ghi nhận là lúc 8 giờ 11 phút sáng 8-3. Đội điều tra quốc tế đã đưa ra hai giả thiết về vị trí máy bay lúc đó:
- Hành lang phía bắc chạy từ biên giới Kazakhstan và Turkmenistan đến miền Bắc Thái Lan.
- Hành lang phía nam kéo dài từ Indonesia đến phía nam Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Najib Razak tuyên bố Malaysia quyết định chấm dứt tìm kiếm ở biển Đông. Ông giải thích dù báo chí cho rằng máy bay bị không tặc nhưng Malaysia vẫn đang điều tra và cuộc điều tra tập trung vào tổ lái và hành khách.
Ngày 15-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Malaysia cung cấp thêm thông tin chính xác hơn về máy bay mất tích.
Máy bay lên xuống bất thường
Báo New York Times ngày 14-3 (giờ địa phương) dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Mỹ khẳng định sau khi mất liên lạc, ban đầu máy bay MH370 bay vọt lên độ cao 13.700 m (trên mức giới hạn cho phép) rồi bẻ lái ngoặt sang trái, kế tiếp hạ độ cao bất thường xuống 7.000 m (dưới mức giới hạn) khi bay gần đến đảo Penang (Malaysia). Từ lúc đó máy bay bay về hướng tây nam, lấy lại độ cao bình thường và bay theo hướng tây bắc về eo biển Malacca.
Giải thích về vấn đề này, một chuyên gia ở ĐH London (Anh) khẳng định hành vi thay đổi độ cao đột ngột như thế chỉ có thể xuất phát từ một hành động có chủ ý.
Một phi công lái máy bay Boeing 777-200 ghi nhận khi máy bay bay vượt qua ngưỡng độ cao 13.100 m, nếu cabin máy bay giảm áp, hành khách và phi hành đoàn có thể bất tỉnh. Tình trạng này có thể xảy ra do phi công hoặc không tặc thực hiện. Hành vi thay đổi độ cao như thế cũng cho thấy phi công không còn tỉnh táo cầm lái và bộ phận lái tự động không hoạt động.
Trả lời báo Washington Post (Mỹ), một nguồn tin từ cơ quan điều tra Mỹ nói: “Chuyện này ngày càng ít giống tai nạn mà càng lúc giống với hoạt động tội phạm hơn”.
Nghi vấn về khả năng không tặc
Ngày 15-3, Bộ Ngoại giao Malaysia đã mời đại sứ các nước liên quan đến hai hành lang mới để đề nghị hỗ trợ.
Báo New York Times (Mỹ) ghi nhận hành lang phía nam chủ yếu là biển cả với vài đảo nhỏ trong khi hành lang phía bắc là vùng có mức độ quân sự hóa dày đặc, bao gồm hoặc sát với nhiều nước không ổn định, có căn cứ của các tổ chức nổi loạn. Trong khu vực này có mạng lưới radar phòng không mạnh, trong đó có radar do Mỹ điều hành.
Ông Mikael Robertsson, người sáng lập trang web Flightradar24.com (dịch vụ theo dõi bay toàn cầu), nhận định máy bay khó bay sâu vào hành lang phía bắc mà không bị phát hiện và bị bắn hạ.
Hãng tin AP ngày 15-3 dẫn nguồn từ một quan chức điều tra Malaysia cho biết một phi công hoặc ai đó có kinh nghiệm bay đã cướp máy bay MH370.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Malaysia nói người điều khiển máy bay MH370 rất biết cách tránh radar dân sự. Đài truyền hình CNN (Mỹ) cho biết theo bản phân tích dữ liệu radar và dữ liệu vệ tinh, máy bay MH370 có thể rơi ở vịnh Bengal hoặc trên Ấn Độ Dương. Bản phân tích này do Mỹ và Malaysia phối hợp thực hiện.
LÊ LINH - TNL
Việt Nam dừng tìm kiếm máy bay mất tích Tại cuộc họp ở Bộ Quốc phòng chiều 15-3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kết luận Việt Nam dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, đồng thời thông báo cho lực lượng tìm kiếm nước ngoài đã được cấp phép rút khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, ông yêu cầu lực lượng tìm kiếm của Việt Nam vẫn giữ vị trí để nắm tình hình. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thông báo lúc 14 giờ ngày 15-3, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao thông báo Thủ tướng Malaysia cho biết Malaysia đã dừng tìm kiếm tại biển Đông và hiện Malaysia đã chuyển hướng tìm kiếm về Ấn Độ Dương. TRỌNG PHÚ |