Chiều 8-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam tuyến phía Đông. Các ý kiến thảo luận đều đồng thuận về sự cần thiết xây dựng cao tốc này để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, hình thức BOT đối với dự án quan trọng này vẫn là điều khiến nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại.
Nỗi ám ảnh BOT
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đồng tình chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, ông đề nghị sớm công khai dự kiến giá phí đường bộ để nhân dân có ý kiến. Ngoài ra, những đoạn được đầu tư theo hình thức PPP - loại hợp đồng BOT cần tính toán, vì vừa qua đã xảy ra nhiều tồn tại. “Bộ GTVT cần báo cáo QH những bài học rút ra từ những dự án BOT vừa qua để rút ra bài học cho dự án này” - ông Ngân nói.
ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng lo ngại những bất cập của BOT thời gian qua có thể tác động đến việc kêu gọi các nhà đầu tư cho dự án này. “Nhà đầu tư nước ngoài vào họ muốn lợi nhuận 18% nhưng rất minh bạch, còn nhà đầu tư trong nước lợi nhuận chỉ 14% nhưng nhiều vấn đề. Bởi vậy, cần thẩm định thật kỹ mức đầu tư BOT. Khi làm BOT, cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư” - ĐB Quốc nói.
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề cập tới kết luận giám sát BOT của Ủy ban Thường vụ QH và cũng đặt yêu cầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng và Nhà nước, hài hòa lợi ích của người dân quanh khu vực trạm thu phí và doanh nghiệp sử dụng. “Chúng ta phải ghi nhận với nhau là chỉ có làm đường cao tốc thì mới thu phí kín được, chứ thu phí hở thì công bằng chỉ mang tính tương đối mà thôi” - ông Kiên nói.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đề nghị phải tính toán kỹ, công khai, minh bạch khi thực hiện BOT trong dự án này. “Thứ trưởng Bộ GTVT giải trình cho rằng đã tính rất kỹ, chi ly về kết cấu, kỹ thuật, hệ số thu hằng năm... nhưng thực tiễn là bao nhiêu, làm sao thì phải công khai để đảm bảo tính minh bạch, tránh lợi ích nhóm, tránh sai phạm” - ĐB Xuyền nói.
Đấu thầu chứ không chỉ định thầu nữa
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng cần phải có một trục đường như cao tốc Bắc-Nam để kết nối các tỉnh, các đô thị lớn với nhau. Nhưng vấn đề là ngân sách rất khó khăn.
“Chúng ta nghèo nhưng nếu một miếng bánh chia mành mành ra 63 tỉnh, thành thì có khi cuối cùng chúng ta chẳng có được cái gì cả, ngân sách cũng không tăng trưởng. Chính phủ có nguồn vốn ít thì cần phải tạo ra đột phá. Vì muốn tạo ra sự đột phá đó, Chính phủ mới tiến hành xây dựng đường cao tốc, nhất là cao tốc Bắc-Nam. Muốn đất nước phát triển bền vững, muốn ngân sách dồi dào, muốn tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn dăm ba năm có ngân sách để hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn thì không có cách nào khác là phải ủng hộ làm cao tốc. Có trục đường này mới tạo ra động lực phát triển kinh tế lớn” - Bộ trưởng Thể nói.
Lược qua những điểm cơ bản về các dự án, Bộ trưởng Thể cho hay các dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc-Nam có thể đấu thầu thành công tám dự án hoặc ít hơn. “Chúng ta sẽ đấu thầu hết toàn bộ. Nếu đấu thầu không được sẽ điều chỉnh để đấu thầu lần 2. Sẽ tổ chức đấu thầu chứ không chỉ định thầu như trước đây” - Bộ trưởng Thể khẳng định.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi điểm qua sự cần thiết của những đoạn cao tốc Bắc-Nam trong dự án Chính phủ trình thì cũng cho biết: “Vốn chúng ta năm nay đã dành ra 80.000 tỉ đồng cho công trình trọng điểm quốc gia, trong đó dành ra 70.000 tỉ đồng cho dự án này”.
Chủ tịch QH cũng đồng tình với phương án đấu thầu công khai và nghiêng về phương án giá đấu thầu phải xác định giá khởi điểm, giá của từng thời kỳ để làm giá cơ sở đấu thầu. “Phải tính tới khả năng chi trả và khả năng chịu đựng mức phí của người dân. Công trình này giao Chính phủ làm thì hằng năm Chính phủ phải báo cáo QH về tiến độ, khó khăn, vướng mắc” - Chủ tịch QH nói.
Cần phải có tầm nhìn lâu dài ĐB Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng tình đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc như dự án của Chính phủ, vì ngân sách khó khăn. “Nếu đủ nguồn lực đầu tư 1.700 km thì nước ta phát triển nhanh. Trong thời gian qua nước ta có nhiều nỗ lực phát triển giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải” - ĐB Mẫn nói. Tỏ ra nuối tiếc, ĐB Mẫn nói về cầu Mỹ Thuận: “Như cầu Mỹ Thuận, nếu có tầm nhìn, ta đầu tư thêm ba làn xe thì giờ không phải làm thêm. Cần khảo sát để xây dựng con đường, cây cầu có chiến lược lâu dài chứ không phải năm năm, 10 năm”. Mặt khác, ĐB Mẫn nói: “Tôi đi các nước, họ làm đường nhưng không để cho dân cư sinh sống ở hai ven đường để không phải làm cống, làm lối thoát đơn giản mà thời gian lâu. Chúng ta thì ngược lại, đường đâu thì dân ở đó nên xuống cấp rất nhanh”. |