Ngày 11-1, trao đổi với PLO, ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông - nông nghiệp phát triển nông thôn (viết tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Lắk cho biết đến nay đã gần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Tại điểm cuối dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, nhà thầu là Tổng công ty xây dựng số 1 đang thi công các hạng mục cầu vượt, điểm nối với đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột.
Dọc hai bên đường chính, nhà thầu còn thi công tuyến đường gom dân sinh, có kết nối qua lại hai bên đường bằng cầu vượt hoặc hầm chui…
Theo ông Phan Xuân Bách, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do Quốc hội cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng.
Dự án được chia làm ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án thành phần 2 do Bộ GTVT, dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỉ đồng, UBND tỉnh Đắk Lắk giao BQLDA tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Đoạn trên địa bàn Đắk Lắk dài hơn 48 km, đi qua các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin.
Ông Phan Xuân Bách thông tin: công tác giải phóng mặt bằng của dự án cơ bản đáp ứng tiến độ. Phần diện tích chưa bàn giao mặt bằng do vướng chuyển mục đích sử dụng rừng. Trong thời gian tới, chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án.
Hiện tỉ lệ bàn giao mặt bằng tại huyện Krông Pắk và huyện Cư Kuin đạt 100%, huyện Ea Kar đạt hơn 80%.
Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nói: “Xác định đây là dự án trọng điểm, ngay từ khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, chúng tôi triển khai các tổ để họp dân, rồi lên phương án đền bù cụ thể, hợp lý. Tại các buổi tiếp xúc, hầu hết người dân đều đồng lòng, đồng ý phương án đền bù, giải tỏa. Nhờ vậy, huyện Krông Pắk mới đạt tiến độ thu hồi đất bàn giao cho dự án nhanh nhất”.
Cấp phép chuyển đổi rừng, mỏ vật liệu xây dựng
Tháng 12-2023, Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với gần 200 ha rừng ở hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk để thực hiện dự án cao tốc. Trong đó, diện tích rừng cần chuyển đổi của địa bàn tỉnh Đắk Lắk hơn 169 ha.
Để đáp ứng kịp thời cho tiến độ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đưa 18 vị trí bãi thải, 17 vị trí trạm trộn, 11 vị trí mỏ đất, 19 vị trí mỏ đá và chín vị trí mỏ cát phục vụ dự án thành phần 3.