Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận phải khánh thành ngày 30-4-2021

Sáng 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã có chuyến thăm và kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. “Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 30-4-2021”, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đến thăm và kiểm tra trực tiếp tại công trường thi công cao tốc này.

Đồng ý phân bổ vốn ngân sách 2.186 tỉ

Tại đây, Thủ tướng đã trao quyết định về việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ sử dụng nguồn tổng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho các dự án. Đồng thời, Thủ tướng đã trao quyết định phê duyệt phân bổ 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho ông Lê Văn Hưởng (Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) và ông Mai Mạnh Hồng (Tổng giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt 2.186 tỉ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là phần vốn chính phủ cam kết hỗ trợ cho dự án. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải ngân cho dự án.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây, nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách đã có, chủ đầu tư không phải lo nữa, chỉ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, không vì tiến độ mà giảm chất lượng đối với công trình.

Trong chuyến thăm và khảo sát tuyến cao tốc này, Thủ tướng biểu dương UBND tỉnh Tiền Giang, các nhà đầu tư và các ngân hàng đồng tài trợ vốn cho dự án đã sát cánh bên nhau cùng tháo gỡ những khó khăn của dự án. Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu dự án phải thông tuyến vào ngày 31-12-2020 và khánh thành vào ngày 30-4-2021 như cam kết của Chính phủ, nhà đầu tư với đất nước, với người dân.

Về phía chủ đầu tư cũng cho hay đơn vị đã huy động khoảng 2.500 tỉ đồng để tham gia vào dự án để góp vốn chủ sở hữu, ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Tiền Giang triển khai dự án. Đến nay đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng dự án (tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm).

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dù vốn ngân sách đã được phân bổ nhưng để hoàn thành dự án vào năm 2021 vẫn còn phụ thuộc vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Phía chủ đầu tư đã làm việc với các ngân hàng để được thẩm định và ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án. “Chúng tôi hy vọng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng thì các ngân hàng cũng sẽ quyết liệt để có thể sớm ký kết hợp đồng tín dụng với chủ đầu tư” - ông Hồng nói.

Thủ tướng tặng quà cho công nhân thi công công trình cao tốc. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thúc đẩy thi công dự án về đích đúng tiến độ

Để bảo đảm cuối năm 2020 thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành trong năm 2021 theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua UBND tỉnh Tiền Giang đã dốc toàn lực cho dự án, tập trung các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trước đó, khi nguồn vốn ngân sách trung ương chưa được phân bổ và vốn tín dụng doanh nghiệp dự án chưa tiếp cận được, UBND tỉnh đã ứng ra ngân sách địa phương trên 278 tỉ đồng để chi trả đền bù cho các hộ dân. Đến cuối tháng 9 này, tỉnh đã hoàn thành việc giải phóng và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho doanh nghiệp tổ chức thi công.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.

Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng và nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới