Cây kiểng giải độc: Thận trọng khi trồng

Cây kiểng giải độc: Thận trọng khi trồng ảnh 1
Ảnh: CTV

Chỉ là biện pháp hỗ trợ

TS Nguyễn Thị Kim Quý, nguyên giảng viên bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, khoa Môi trường và tài nguyên, đại học Nông lâm TP.HCM cho biết: khả năng thanh lọc, xử lý các chất độc hại trong không khí của cây kiểng phụ thuộc nhiều vào kích thước cây, nhiệt độ, độ ô nhiễm của không khí, chất lượng cây... Không phải loại cây kiểng nào cũng có thể trồng được, nếu không thận trọng có thể mang đến nhiều mầm bệnh cho các thành viên trong gia đình (dị ứng da, viêm nhiễm đường hô hấp…), đặc biệt là với trẻ nhỏ. Điển hình như cây vạn tuế, hiện không ít gia đình để trong nhà làm kiểng, nếu tiếp xúc gần hoặc dùng tay bứt lá, hạt, vỏ cây thì có thể ngộ độc, rối loạn thần kinh mạn tính, ngay cả hạt vạn tuế cũng độc tính khá cao...

PGS.TS Trần Văn Thuỵ, chủ nhiệm bộ môn sinh thái môi trường, khoa Môi trường đại học Khoa học tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội cho biết cây kiểng có hai cơ chế hoạt động là quang hợp và hô hấp. Ban ngày cây hút thán khí (CO2), thải ôxy, còn ban tối ngược lại nên nếu để quá nhiều cây trong nhà và đóng kín cửa thì ban đêm trong nhà sẽ có lượng lớn thán khí không tốt cho sức khoẻ. “Một số cây có thể hút một số khí được xem là độc như ôzôn, formandehit... Tuy nhiên, trồng cây trong nhà chỉ là biện pháp hỗ trợ, bởi thực vật hấp thụ khí độc rất chậm và thấp”, PGS Thuỵ nói. Cũng theo PGS Thuỵ, thông tin một số loại cây: phong lan, xương rồng, lô hội, cây thuộc họ dứa... nhả ôxy về đêm vẫn chưa được khoa học xác nhận.

Coi chừng lợi bất cập hại


PGS Thuỵ khuyến cáo, trước khi trồng cây kiểng nào, người dân nên tìm hiểu kỹ tài liệu về chúng. Cây trồng trong nhà buổi tối cần đưa ra hành lang, nhằm tránh bị ngộ độc cũng như giúp cây phát triển tốt. Tại các địa điểm, văn phòng khép kín cần có hệ thống thông gió chứ không thể trông nhờ cây xử lý. Việc trồng một hay vài cây chưa thể đạt được mục đích cải thiện môi trường, thanh lọc không khí. Theo các nhà khoa học ở cơ quan Hàng không và không gian Mỹ (NASA), trong một ngôi nhà rộng khoảng 160m2 nên trồng 15 – 18 cây trong các chậu có đường kính 12 – 18cm. Các vi sinh vật sống xung quanh rễ các loài cây kiểng cũng tham gia tiêu huỷ chất độc, do đó nên để cho mặt đất tiếp xúc với không khí để tăng khả năng trao đổi và thu hút khí độc.

Theo TS Quý, để trong nhà có không khí sạch, lành thì điều quan trọng nhất là hạn chế tối đa những khí độc hại; tạo môi trường thông thoáng cho sự trao đổi khí; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; không đun nấu bằng than, dầu; không hút thuốc; có quạt hút, lắp đặt hệ thống thông gió…; lau chùi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giữ phòng khô thoáng…

Nếu có nhu cầu sử dụng cây kiểng để thanh lọc không khí trong nhà, nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các nhà sinh vật cảnh có kinh nghiệm. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) về đề tài sử dụng cây xanh hấp thu khí độc đã ghi nhận ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây khảo sát là: thiết mộc lan, ngũ gia bì và dương xỉ thường (chất độc khí toluene phát sinh từ sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa hoặc bị khuếch tán từ ngoài vào trong nhà… có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khiến người ở trong nhà có cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt; ở nồng độ cao, khí toluene có thể gây bất tỉnh thậm chí tử vong).

TS Quý còn lưu ý: “Nếu thỉnh thoảng cảm thấy cay mắt, chảy nước mũi, nổi mề đay một cách vô cớ thì nên nghĩ đến chứng dị ứng do cây kiểng”.

Theo Linh An – Hoàng Tuấn (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm