Chậm cổ phần hóa, lãnh đạo DN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

Theo nghị quyết, trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty các doanh nghiệp Nhà nước và Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan xử lý chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Lãnh đạo đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.

Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngoài các quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện các giải pháp sau

Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp. Trường hợp đấu giá không thành công doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận.

Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu…

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm thông báo cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên.

Đ.LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều