Chấm thi mở, tôn trọng quan điểm của thí sinh

Đại diện các trường lạc quan cho biết dù năm nay nhiều trường chủ trì các cụm thi đưa bài thi về TP.HCM, tuy nhiên số lượng các bài thi không đều nhau, ít hơn các năm trước nên công tác chấm thi không quá áp lực về thời gian và lo thiếu hụt giáo viên chấm các môn.

Giáo viên chấm môn ngữ văn tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Phong Điền

Phía Nam sẽ chấm xong trước ngày 16-7

TS Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin các giáo viên chính thức chấm các môn ngày 7-7, trước đó ngày 6-7, các giáo viên thảo luận đáp án và chấm thử. “Hiện số bài thi được chấm khá ít nên chưa thể bình luận mức điểm thí sinh năm nay cao hay thấp so các năm trước” - ông Hoàng nói.

TS Hoàng đánh giá số bài thi từng môn năm nay không nhiều nhưng dàn trải tám môn nên tổng số bài thi dội lên, trong đó hai môn toán và ngữ văn có số bài thi mỗi môn hơn 8.600 bài, kế đến là tiếng Anh hơn 7.000 bài, thấp nhất là môn sinh học hơn 1.200 bài. Có 227 giáo viên của trường và giáo viên do trường ký hợp đồng với các trường THPT tại TP.HCM tham gia chấm thi. Dự kiến ngày 15-7 sẽ chấm xong các môn.

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho hay do số bài thi không quá lớn, các môn có số lượng khá cách biệt nhau nên đến ngày 9-7, trường mới chính thức chấm và dự kiến trong một tuần sẽ chấm xong (ngày16-7).

Năm nay, Trường ĐH Sài Gòn huy động khoảng 240 giáo viên của trường cùng giáo viên từ Sở GD&ĐT TP.HCM và Long An chấm các môn. Trong đó môn toán và ngữ văn có số lượng nhiều nhất 12.500 bài thi (năm 2015, môn toán hơn 18.000 bài), kế đến là tiếng Anh hơn 8.000 bài, địa lý hơn 6.000 bài, lịch sử khoảng 4.000 bài.

Theo ông Sơn, hạ tầng công nghệ của trường đã được nâng cấp, đang kiểm tra lại hệ thống, sẵn sàng công bố kết quả điểm thi khi Bộ GD&ĐT cho phép, đảm bảo không bị sập mạng.

Tương tự, các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ hoàn thành chấm thi trước ngày 16-7.

Các trường cũng cho biết: Từ đầu năm, website của trường đã được nâng cấp rất mạnh, đáp ứng cùng lúc hàng chục ngàn lượt truy cập. So với số thí sinh tham gia thi tại các cụm, website các trường đủ sức đáp ứng nhu cầu tra cứu điểm, không lo bị sập mạng. Theo đó khi Bộ GD&ĐT đồng ý, các trường sẽ công bố điểm trên website của trường mình.

Quy trình hai vòng chấm độc lập

Chiều 7-7, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội, cho biết ngày 5-7 vừa qua cụm thi số 3 đã hoàn thành việc làm phách.

Theo ông Anh, số lượng đội ngũ cán bộ tham gia chấm thi năm nay tại cụm thi số 3 là 270 cán bộ, trong đó nhà trường chỉ có 30 giảng viên tham gia chấm, còn lại phải thuê thêm cán bộ ở ngoài. “Đây là những giảng viên, giáo viên từ các trường đại học và THPT  có kinh nghiệm, được ĐH Thủy lợi lựa chọn, trường ưu tiên những giảng viên năm ngoái đã tham gia công tác chấm thi” - ông Anh nói.

Ông Anh cũng cho hay tất cả quy trình kiểm tra và sửa vênh giữa hai vòng chấm phải được lưu lại, việc sai lệch sẽ được trao đổi với ban giám hiệu để hoàn thiện dần trong các bài thi tiếp theo. Do đặc thù những môn thi xã hội không có barem chặt chẽ như môn tự nhiên, đề thi mở nên giáo viên cũng phải chấm theo cách mở, tôn trọng quan điểm của học sinh. Cách chấm các môn thi này phải được trao đổi thường xuyên, đảm bảo sự công bằng, không theo ý  chủ quan của người chấm.

Ngoài ra, theo ông Anh, để công tác chấm thi được diễn ra nghiêm túc, các phòng chấm thi đều có camera theo dõi.

Mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

• Chậm nhất ngày 20-7: Hoàn thành chấm thi và báo cáo sơ bộ kết quả, công bố điểm thi sau đó. Chậm nhất ngày 25-7: Hội đồng thi thực hiện công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

• Chậm nhất ngày 27-7: Hiệu trưởng các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.

• Chậm nhất ngày 30-7: Gửi giấy chứng nhận kết quả thi và nhận đơn phúc khảo của thí sinh.

• Trước ngày 8-8: Các hội đồng thi phải tổ chức phúc khảo bài thi và hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo.

• Từ ngày 1 đến 20-8: Các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Trước ngày 25-8: Công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1.

• Từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9: Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 trước ngày 20-9.

• Từ ngày 20-9 đến hết 5-10: Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2. Công bố kết quả trước ngày 10-10.

• Từ ngày 10-10 đến hết ngày 25-10: Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3.

Trong thời gian chờ đợi xét tuyển, thí sinh nên căn cứ vào kết quả tuyển sinh các năm trước để cân nhắc việc nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, năm nay tất cả hội đồng thi đều có trách nhiệm công bố kết quả thi. Sau khi chấm xong, các cụm thi gửi kết quả về Bộ GD&ĐT để đối sánh dữ liệu, đảm bảo tuyệt đối chính xác. Sau đó 120 hội đồng thi sẽ công bố kết quả theo đúng quy định.

Ông MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới