Tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc tám môn thi chiều 4-7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhìn nhận tính đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã thành công.
Làm tròn đến hai chữ số thập phân
Kỳ thi THPT 2016 có thử thách rất lớn vì lần đầu tổ chức đến 70 cụm thi trên toàn quốc. Nhờ sự hỗ trợ nhịp nhàng của các bộ, ngành và các địa phương nên kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Thí sinh cũng cảm thấy thoải mái vì được thi trên chính quê hương mình nên không có nhiều áp lực.
“Ngay sau khi thi, các cụm sẽ tiến hành chấm, Bộ chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 20-7. Vì vậy những trường có số lượng thí sinh đông cần chuẩn bị lực lượng chấm thi. Quá trình chấm thi được thực hiện theo hai vòng độc lập để đảm bảo chính xác. Việc làm tròn điểm cũng chỉ được làm tròn hai chữ số thập phân để đảm bảo công bằng” - ông Ga nói.
Sau khi các trường, địa phương chấm thi xong sẽ gửi kết quả lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để đối chứng, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của cả nước, rồi chuyển dữ liệu tinh về cho 70 cơ sở để công bố. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các sở, trường ĐH chủ trì làm việc với đơn vị cung cấp Internet để tránh tình trạng nghẽn mạng.
Các thí sinh hớn hở sau khi kết thúc kỳ thi tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: HTD
Thí sinh thuận lợi
Theo đánh giá chung của các cụm thi, kỳ thi năm nay thí sinh chia ra tại 63 tỉnh, thành nên giảm thiểu được ách tắc giao thông. Nhiều địa phương đã phối hợp công tác hỗ trợ thí sinh rất tốt và kịp thời như cung cấp suất ăn, nhà trọ miễn phí, xe đưa rước, sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi…
PGS-TS Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình, cho biết đây là năm đầu tiên trường phối hợp cùng Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh. Kỳ thi được chuẩn bị công phu, đảm bảo an toàn do có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Theo đó, phòng thi được chuẩn bị chu đáo, thí sinh có tâm lý khá tự tin, thoải mái do được thi trên địa bàn tỉnh nhà.
Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn do các trường ĐH điều động hàng trăm giáo viên về các tỉnh coi thi khiến tăng thêm các chi phí và công tác tổ chức hậu cần ăn ở, đi lại. Ngoài ra, do thí sinh đăng ký các môn thi không đồng đều, có môn nhiều thí sinh đăng ký, ngược lại có môn thí sinh đăng ký quá mỏng khiến công tác sắp xếp bố trí cán bộ coi thi gặp khó khăn.
Đề thi đáp ứng yêu cầu “2 trong 1”
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, công tác ra đề thi được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi. Các cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông, nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.
Đề thi đã đạt được yêu cầu của kỳ thi “2 trong 1” là vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Nhìn chung không đánh đố, nội dung bám sát chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân loại cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh thuận lợi hơn.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, cho biết đề năm nay các câu hỏi ở dạng mở, có tính vận dụng, đòi hỏi thí sinh phải có tính sáng tạo. Vì vậy việc chấm thi cũng cần mở. Tất cả câu trả lời của thí sinh không sai so với nội dung câu hỏi, không vi phạm thuần phong mỹ tục đều được cho điểm. Khi xây dựng đáp án mở không phải đếm ý cho điểm mà sẽ có các gợi ý một số nội dung mang tính chìa khóa để đáp ứng nội dung câu hỏi.
Bắt tay làm phách chấm thi ngay Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ ngày 2-7, trường đã tiến hành làm phách, từ ngày 7-7 bắt đầu triển khai chấm bài. Dự kiến ngày 18-7 sẽ chấm xong, ngày 25-7 sẽ công bố điểm. Đồng thời trường đã nâng cấp năm server với 11 nút mạng đủ sức đáp ứng hàng chục ngàn người truy cập cùng lúc khi tra cứu điểm thi. Theo ông Trung, số bài thi năm nay khá lớn, tuy nhiên trường đã huy động khoảng 500 giáo viên tham gia chấm thi nên sẽ không sợ bị chậm tiến độ. Theo thống kê ban đầu, môn toán có khoảng 17.000 bài thi, môn tiếng Anh là 15.000, những môn còn lại số bài thi ít hơn nên không quá nhiều áp lực. ___________________________ Theo dữ liệu được chuyển về từ các hội đồng thi, tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 là 887.396 (giảm 118.258 so với năm 2015). Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 286.129, đạt tỉ lệ 32% (năm 2015 là 28%). Số thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 519.497 (chiếm 59%), tương đương năm ngoái. Đây cũng là năm có đông hội đồng thi nhất, tất cả tỉnh, thành đều có cụm thi. Trong đó, hội đồng thi ĐH là 70, hội đồng thi tốt nghiệp là 50. Sau bốn ngày thi, các cụm thi đã đình chỉ hàng trăm thí sinh vi phạm quy chế thi. |