Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện trên 100.000 vụ việc vi phạm, trong đó số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm chiếm khoảng gần 15.000 vụ, thu nộp ngân sách gần 8.000 tỉ đồng... Riêng với lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), trong 11 tháng năm 2022, toàn lực lượng đã xử lý trên dưới 30.000 vụ việc vi phạm.
Đơn cử tại Đắk Nông, ngay tháng 12, lực lượng QLTT phối hợp Công an tỉnh Đắk Nông kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn. Kết quả phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 176 cây thuốc lá điện tử có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Qua làm việc, chủ cơ sở kinh doanh thừa nhận số hàng hóa trên mua trôi nổi trên mạng xã hội để bán kiếm lời. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng hóa đang kinh doanh theo quy định. Sau đó, lực lượng QLTT đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định.
Cũng trong tháng 12, lực lượng QLTT Quảng Bình phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện hơn 2.000 chai rượu do nước ngoài sản xuất, gồm các nhãn hiệu: Johnnie walker; Balvenie aged 12 year; Glenlivet ESTD 1824; Chivas 18; Ballantines được chở trên ô tô tải có biển kiểm soát 29C-235xx có dấu hiệu nhập lậu.
Lực lượng chức năng kiểm tra số rượu ngoại bị thu giữ. Ảnh: QLTT Quảng Bình |
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe chở số hàng nêu trên không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Số rượu ngoại trên cũng không dán tem rượu nhập khẩu theo quy định. Trị giá hàng hóa ước tính hơn 1 tỉ đồng.
Theo trình bày của lái xe, số rượu ngoại nêu trên đang được vận chuyển từ Quảng Trị ra Hà Nội để tiêu thụ; phương tiện vận chuyển được ngụy trang dưới hình thức là xe thư báo. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Bình Dương, lực lượng chức năng cũng phát hiện trên 10.000 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại ga Sóng Thần. Các sản phẩm này chủ yếu là quần áo, giày dép, linh kiện điện tử, mỹ phẩm, đồ chơi kích dục, dụng cụ gia đình…
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến bất thường, đặc biệt khi năm nay Tết Dương lịch và Nguyên đán rất gần nhau, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao.
Do đó, từ tháng 11, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh lưu ý các Cục QLTT khi kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường cần chú ý các mặt hàng trọng điểm, nhu cầu cao trong dịp Tết như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... Đặc biệt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại.
Bên cạnh đó, đối với các tỉnh có đường biên giới, Tổng Cục trưởng cũng nhấn mạnh lực lượng QLTT ở các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an để nắm bắt, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm thương mại khi hàng hóa vận chuyển từ khu vực biên giới vào nội địa.
Không chỉ vậy, để nâng cao hiệu quả công tác này, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.