TP.HCM đang triển khai các biện pháp phòng lây lan.
Ổ dịch bạch hầu bùng phát tại tỉnh Bình Phước. Hiện tại, đã có ba bệnh nhân được chuyển vào TP.HCM điều trị.
Bạch hầu là bệnh dễ lây lan qua không khí, nhất là những vùng dân cư đông đúc, giao lưu đi lại thường xuyên.
Trước tình hình trên, ngày 15-7, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết nhằm hạn chế lây lan và không có cơ hội cho dịch bạch hầu vào thành phố, Sở thực hiện nhiều biện pháp.
Thứ nhất, truyền thông cho người dân hiểu biết về vấn đề phòng, chống bạch hầu nhằm nâng cao kiến thức, không gây hoang mang trong người dân. Cụ thể, trong ngày 15-7, Sở bắt đầu cho truyền thông bệnh bạch hầu để người dân được biết trên các trang web của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM (T4G)...
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng rà soát lại tất cả tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là những mũi tiêm cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc lại về bệnh bạch hầu. Nếu phát hiện ra nơi nào tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, phải lập tức tăng cường tiêm chủng ngay trên địa bàn đó.
Một bệnh nhân viêm bạch hầu trong vùng dịch bạch hầu ở Bình Phước đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới. Ảnh: THIỆN TÂM
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo cho các quận, huyện, nhất là các bệnh viện có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu điều trị như Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy phải chuẩn bị thuốc men, thuốc kháng độc tố bạch hầu để không rơi vào tình trạng bị động.
Cuối cùng, Sở Y tế TP.HCM giao cho các bệnh viện, các khối y tế dự phòng tăng cường giám sát các bệnh nhân đến khám, cũng như giám sát tại cộng đồng, giám sát tại các trung tâm y tế phường, xã. Đồng thời BV Bệnh nhiệt đới đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
“Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến cho các tỉnh phía Nam để hỗ trợ các bệnh viện trong công tác điều trị. Nếu tình hình cần thiết sẽ mở rộng tập huấn cho các bệnh viện TP cũng như các bệnh viện đa khoa quận, huyện nắm vững kiến thức” - ông Hưng cho biết.
Riêng về phía Viện Pasteur TP.HCM, qua điều tra dịch tễ và cuộc họp với Sở Y tế tỉnh Bình Phước những ngày qua, PGS-TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur) đánh giá Bình Phước đã nhanh chóng và kịp trong ứng phó với tình hình dịch tại địa phương. Tuy nhiên, cần phải chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch thời điểm sắp tới.
Ông Lân đã đề nghị các lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước tăng cường diệt khuẩn khu vực ổ dịch, uống kháng sinh dự phòng trong cộng đồng, tiêm chủng vaccine nhằm cố gắng dập dịch trong thời gian sớm nhất. Ngày hôm qua, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã cử cán bộ của viện nằm vùng ở Bình Phước để giúp đỡ, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong ba bệnh nhân tử vong vừa qua, có hai nạn nhân đã tiêm phòng bệnh bạch hầu trước đó và vẫn còn giữ đầy đủ sổ tiêm chủng. Qua kiểm tra xác nhận sổ tiêm chủng chứng minh hai nạn nhân này đã tuân thủ tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Trường hợp tử vong còn lại người nhà cung cấp thông tin là bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi ngừa bệnh. Tuy nhiên, không còn lưu giữ sổ tiêm chủng. Theo GS-TS-BS Nguyễn Thanh Bảo, khoa Vi sinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Người bệnh khi ho, hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra xung quanh theo đường không khí. BS Bảo khuyến cáo người dân khi bị viêm họng thì nên đi khám liền. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng (ảnh) thì người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng. _________________________________ 55 ca nghi nhiễm bạch hầu được Sở Y tế tỉnh Bình Phước thống kê tính đến chiều 15-7, trong đó bốn ca dương tính. Hiện tại Sở Y tế tỉnh đang phối hợp Viện Pasteur và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng bệnh lây lan. BS Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, cho biết tỉnh đã cơ bản khống chế được vùng dịch. Tỉnh đang tiếp tục tiêm vaccine bạch hầu cho những trẻ em trong độ tuổi chưa được tiêm và cho uống thuốc dự phòng đối với người lớn tại hai xã vùng dịch. NGUYỄN ĐỨC ghi |