Như PLO đã đưa tin, chiều 28-4, TAND Tối cao tổ chức phiên họp hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Công và cố chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ. Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, chủ trì phiên họp.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên hội đồng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra nhiều kết luận đáng chú ý.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo chánh án, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông không giống như việc xây dựng tượng hàng ngàn tỉ, cũng không phải việc làm vô ích mà là việc làm giáo dục truyền thống, nâng cao vị thế của dân tộc, đất nước trong lịch sử cũng như trong thời hiện tại.
Chánh án nói việc lựa chọn dựng tượng vua Lý Thái Tông làm nhân vật tiêu biểu cho hoạt động xét xử đã rất thận trọng, khoa học, tỉ mỉ, nhất quán và cần thiết. Các nhà khoa học, điêu khắc, văn hóa… đã làm việc hết sức tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và khoa học.
“Tòa án không có chuyên môn về vấn đề này nên phải dựa vào các nhà khoa học, kiến trúc, điêu khắc và các vị đã rất lao tâm khổ tứ. Có nghiên cứu lịch sử, văn hóa từng thời kỳ, tham khảo ý kiến rộng rãi, gửi gắm các ý tưởng vào phác thảo” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Về dư luận xã hội và ý kiến nhân dân, chánh án cho rằng ý kiến người dân là rất tích cực. Tòa án đã lắng nghe dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến xã hội. Ông lưu ý các thành viên hội đồng tiếp thu ý kiến của nhân dân một cách sáng suốt, minh mẫn để công việc chất lượng cao nhất. Ông cũng thông báo việc lấy ý kiến đông đảo người dân trên mạng xã hội đến hôm nay (tức 28-4) là kết thúc.
Về ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị tác giả tiếp thu và điều chỉnh hình mẫu.
Cuối cùng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Trước mắt, trong thời gian COVID-19 đang diễn ra, ngành tòa án chưa đặt ra vấn đề xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tông mà dành thời gian tiếp tục hoàn thiện, sáng tác”.
Ông Bình nói thêm: “Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà là bằng sự đóng góp của toàn thể ngành tòa án. Đây là việc ngành tòa án tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị hoàng đế”.