Chánh án Tối cao trình Quốc hội về phiên tòa trực tuyến

Theo nghị trình, chiều 23-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trình Quốc hội (QH) tờ trình dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, TAND Tối cao đề nghị QH thông qua nghị quyết nói trên theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ hai này và nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Nhu cầu, xu hướng tất yếu

Tờ trình của TAND Tối cao khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng. Cạnh đó, Việt Nam tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử theo nghị quyết của hội đồng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử.

Dự kiến Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trình Quốc hội tờ trình 
dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, để góp phần hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với toàn xã hội nói chung và công tác xét xử nói riêng, TAND Tối cao đã chỉ đạo hệ thống tòa án áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, khẩn trương đưa các vụ án (đặc biệt là các vụ án liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19) ra xét xử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, TP phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên hoạt động xét xử cũng bị ảnh hưởng. “Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa” - tờ trình cho biết.

Ngoài ra, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thực tiễn thời gian qua, một số tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

“Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay” - tờ trình nêu rõ và dẫn chứng QH, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình qua phương thức trực tuyến.

“Tòa án cũng bị thúc ép và tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh” - tờ trình nêu và khẳng định “tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp”.

Ủy ban Tư pháp: Cần tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đề nghị của TAND Tối cao trình QH cho phép tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến; tán thành phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến như tờ trình. “Xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn” - báo cáo thẩm tra nêu rõ và đánh giá đề xuất trên của TAND Tối cao “đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, QH mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành nghị quyết cho phép tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến.

“Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng” - Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm và đề nghị quy định thời hạn cụ thể để TAND Tối cao báo cáo QH về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện (chậm nhất là ba năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực). 

Chỉ xét xử trực tuyến đối với vụ án tình tiết đơn giản

Theo dự thảo nghị quyết, tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra những nguyên tắc chung về tổ chức phiên tòa trực tuyến như tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của tòa án.

Nghị quyết giao TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến.

Thẩm tra tờ trình của TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng do yêu cầu đột xuất, khẩn cấp về phòng chống dịch COVID-19, để bảo đảm cho việc xét xử bình thường của tòa án, kịp thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc TAND Tối cao trình QH quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là có cơ sở.

Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có tác động nhiều đến công tác xét xử của ngành tòa án, do vậy cơ quan thẩm tra đề nghị TAND Tối cao báo cáo thêm các tác động của hoạt động này, đồng thời báo cáo rõ hơn với QH về công tác chuẩn bị, các điều kiện bảo đảm để xét xử trực tuyến.

Mục đích tổ chức phiên tòa trực tuyến

- Tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, phiên tòa trực tuyến còn góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội.

- Góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm