Ngày 20-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dành trọn một ngày chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Đại biểu e ngại hẹp nguồn tuyển dụng vào ngành tòa án, kiểm sát
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề hiện nay nhiều người trong ngành tòa án xin nghỉ việc do áp lực công việc. Trong khi đó, những năm gần đây, ngành tòa án chỉ tuyển dụng công chức từ nguồn chính là sinh viên tốt nghiệp Học viện Tòa án. ĐB Tạo dẫn chứng và hỏi về trách nhiệm của Chánh án TAND Tối cao.
|
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ kiểm sát
Trả lời câu hỏi của ĐB Cao Mạnh Linh trong phiên chất vấn buổi chiều, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay ngành kiểm sát phải giảm biên chế nên ba năm liền sinh viên Trường ĐH Kiểm sát tốt nghiệp không có “đầu ra”. Vừa qua, cấp thẩm quyền cho phép giữ lại 10% biên chế, bằng với số giảm, ngành kiểm sát mới tổ chức thi cho ba khóa này.
“Những trường hợp học giỏi, đạt những thành tích tốt ở những trường khác chúng tôi vẫn nhận. Nhưng điều bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ kiểm sát bởi cũng giống như tòa, đây là một nghề đặc thù. Học rồi làm còn trầy trật, không học cho làm thì chết dở” - ông Lê Minh Trí nói.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay biên chế ngành tòa án lấy số tròn là 15.500 người, tỉ lệ nghỉ hằng năm gần 4,5%-4,8%, tức là khoảng 700-800 người. Do vậy, ngành phải tuyển đầu vào để bù đắp các hao hụt tự nhiên này.
Theo ông Bình, Học viện Tòa án mỗi năm tuyển không quá 300 người, vậy còn khoảng hơn 400 người phải tuyển từ các nguồn khác nhau.
“Khi tuyển dụng, ngành tòa án ưu tiên tuyển những sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc” - ông Bình khẳng định chủ trương trên không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng cũng như quyền lợi của sinh viên các trường luật khác khi có nguyện vọng vào làm việc tại tòa án.
Chất vấn tiếp sau đó, ĐB Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) nêu rằng qua theo dõi việc tuyển dụng thư ký tòa án năm 2022, ông thấy rằng tòa án có đặt ra tiêu chuẩn phải có “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử”.
“Tôi thấy để được cấp chứng chỉ này, các sinh viên tốt nghiệp các trường luật khác ngoài Học viện Tòa án sẽ phải mất 18 tháng để học ở Học viện Tòa án hoặc Học viện Tư pháp” - ĐB tỉnh Thanh Hóa nói và đề nghị Chánh án cho biết việc đặt ra chỉ tiêu này liệu có làm hẹp đi nguồn tuyển dụng đối với các cử nhân xuất sắc ở các trường luật uy tín khác để tuyển dụng vào vị trí thư ký tòa án.
“Tiêu chí này có thực sự cần thiết, phù hợp hay không?” - ông Linh cũng gửi câu hỏi này tới Viện trưởng VKSND Tối cao bởi năm 2023, VKSND Tối cao thông báo tuyển dụng cũng đặt ra chỉ tiêu là được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát làm tiêu chí tuyển dụng công chức.
|
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Chất lượng nền tư pháp là do cán bộ tư pháp quyết định
Đáp lại, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Đây là quy định của luật, tòa án phải chấp hành”.
Người đứng đầu ngành tòa án cho rằng luật quy định như vậy với mong muốn nâng cao chất lượng xét xử. “Người nào muốn làm tòa thì phải có nghiệp vụ xét xử, phải hiểu biết, phải được đào tạo vì việc này quyết định đến quyền lợi, thậm chí là sinh mạng của con người” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
“Đối với các cháu học rất giỏi ở các trường đại học khác, chúng tôi cũng như tất cả các ngành khác có cơ chế tuyển dụng nhân tài” - ông Bình cho hay những sinh viên được giải quốc gia, quốc tế, thủ khoa các trường sẽ được ngành tuyển thẳng, việc đào tạo thêm về nghiệp vụ xét xử sẽ diễn ra sau.
Khẳng định quy định trên không làm hạn chế quyền lợi của người giỏi, Chánh án nhấn mạnh điều này là “thể hiện trách nhiệm trước dân”.
Chưa hài lòng, ĐB Cao Mạnh Linh bấm nút xin tranh luận. ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng Chánh án đã hiểu nhầm ý câu hỏi của ông. “Tôi hỏi đây là tuyển dụng công chức đầu vào của ngành tòa án” - ông Linh cho rằng khi đặt ra một tiêu chí như vậy, sinh viên tốt nghiệp đại học luật phải dành 18 tháng lấy một chứng chỉ để chờ cơ hội được ứng tuyển vào ngành tòa án hay ngành kiểm sát.
“Mất quá nhiều thời gian và công sức, chưa nói chi phí. Tôi nghĩ rất ít người lựa chọn vì khi chưa chắc chắn thì người ta không học… Vì thế, tôi đặt câu hỏi có hợp lý hay không. Còn tất nhiên, việc đưa thêm tiêu chuẩn, tiêu chí về vị trí ứng tuyển là phù hợp với quy định của luật” - ĐB Linh nói tiếp.
Tiếp tục trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình một lần nữa khẳng định đây là “chứng chỉ đầu vào” và tất cả các ngành đều có chứng chỉ đầu vào, không phải chỉ riêng thẩm phán. “Việc này để nâng cao chất lượng, vì xét cho cùng, chất lượng nền tư pháp là do cán bộ tư pháp quyết định” - ông Bình nói.
“Chánh án không có quyền yêu cầu phải xử thế nọ, thế kia”
ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định độc lập là một trong những nguyên tắc “căn cốt” của tòa án. Trong đó có độc lập với các cơ quan, độc lập giữa các thẩm phán với nhau, độc lập giữa cấp trên và cấp dưới.
“Đây là một yêu cầu và chúng tôi rất quán triệt nguyên tắc này” - ông Bình cho hay ngành tòa án đã đưa ra rất nhiều nguyên tắc để đảm bảo tính độc lập. “Chúng tôi đặt ra quy trình phân án ngẫu nhiên, bấm được vụ nào thì phải xử vụ đó, tránh tình trạng thân quen hay làm vụ người nhà...” - ông Bình nói.
Giải pháp quan trọng khác, theo Chánh án TAND Tối cao, là thường xuyên kiểm tra công tác xét xử để đảm bảo không có can thiệp của cấp trên với cấp dưới hay của các cơ quan vào việc này. “Chúng tôi đặt ra quy chế quy định chánh án các địa phương không được can thiệp vào việc xét xử của các thẩm phán. Chúng tôi cũng đề nghị ĐBQH tuân thủ nguyên tắc này” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay rất nhiều ĐBQH chuyển đơn đến Chánh án, đề nghị Chánh án phải chỉ đạo giải quyết vụ nọ, vụ kia.
“Xin báo cáo với ĐBQH là Chánh án không có quyền yêu cầu phải xử thế nọ, thế kia. Chúng tôi nhận đơn và sẽ chuyển đơn giải quyết theo thẩm quyền của từng tòa án. Nhiều đồng chí trách là tại sao ông không chỉ đạo. Nếu Chánh án chỉ đạo thì Chánh án đã vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử” - ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công an nêu giải pháp để “không thể tham nhũng”
|
Ông Tô Lâm tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TN |
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận được câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (ĐBQH tỉnh Nam Định) về những biện pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập để “không thể tham nhũng”.
Trả lời, Đại tướng Tô Lâm cho hay đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, từ đó kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế “không thể tham nhũng” như mục tiêu chúng ta đã đặt ra.
Người đứng đầu ngành công an thông tin qua một số vụ án trên lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị về những vấn đề khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế, thiết bị giáo dục… qua đó góp phần minh bạch cho vấn đề này.
“Làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực” - Bộ trưởng Bộ Công an nhắc tới mục tiêu làm sao cho những đối tượng tham nhũng bị xử lý, các đơn vị, công ty đang có kiểu cách, phương thức tương tự phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả, nếu không sẽ bị xử lý. Về mặt quản lý nhà nước cũng phải rà soát tất cả quy định đã bộc lộ sơ hở trong quá trình thực hiện, để đối tượng phạm tội lợi dụng, có hành vi phạm tội.