Liên quan đến vụ ông Nguyễn Quang Huy, chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong (Hòa Bình), bị bắt vì lệnh truy nã cách đây 26 năm, chiều 2-12, TAND tỉnh Hòa Bình cung cấp cho PLO một số thông tin về sự việc này.
Hồ sơ của ông Huy tại TAND tỉnh Hòa Bình không có tài liệu nào cho thấy ông này bị truy nã cách đây 26 năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ TAND tỉnh Hòa Bình, cho biết vào năm 2000 ông Huy được Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tuyển dụng.
Đến năm 2003, theo phân cấp, cán bộ công chức thuộc diện Sở Tư pháp quản lý mà công tác ở ngành tòa án thì hồ sơ sẽ do tòa quản lý. Vì vậy, hồ sơ của ông Huy được chuyển từ Sở Tư pháp sang Văn phòng TAND tỉnh, nay là Phòng Tổ chức cán bộ TAND tỉnh.
Thông tin từ CQĐT cung cấp, ông Huy liên quan đến một vụ trộm cắp dầu của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Vụ án được khởi tố năm 1992 và xét xử một năm sau đó. Lệnh truy nã khi đó đã được chuyển sang tòa nhưng theo trình tự tố tụng, việc truy nã do CQĐT tiến hành chứ tòa không theo dõi.
"TAND tỉnh đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Huy, kể từ thời điểm nhận được văn bản đề nghị xác minh của phía CQĐT (trước khi bị bắt - PV)" - ông Tùng nói.
Khi được hỏi TAND tỉnh có thẩm tra lại hồ sơ của ông Huy khi tiếp nhận từ phía Sở Tư pháp hay không, ông Tùng khẳng định chỉ đơn thuần là tiếp nhận. Bởi thực tế từ năm 2012 trở lại đây, TAND tỉnh mới yêu cầu khi tuyển dụng công chức thì phải có lý lịch tư pháp; còn trước đó, Sở Tư pháp chính là cơ quan đánh giá lý lịch tư pháp, tòa tiếp nhận hồ sơ trên cơ sở đánh giá của cơ quan này.
Đặc biệt năm 1999, ông Huy được kết nạp Đảng tại Đảng ủy xã Thái Bình (nay là phường Thái Bình, TP Hòa Bình), do vậy TAND tỉnh Hòa Bình không được tiếp cận hồ sơ Đảng của ông Huy.
Ngoài ra, hồ sơ gốc của ông Huy có một lý lịch cấp năm 2000 được xác nhận bởi chính quyền địa phương cho thấy không có bất cứ thông tin nào liên quan tới việc ông này bị truy nã.
"Quá trình tôi làm công tác tổ chức cán bộ, ông Huy không có bất cứ biểu hiện hoặc có thông tin nào xác định ông Huy từng vi phạm pháp luật" - ông Tùng nói.
Giống với gia đình và cấp trên của ông Huy, ông Tùng nói bản thân rất bất ngờ khi biết ông Huy bị bắt vì lệnh truy nã. Hằng năm, phía tòa án đều tiến hành rà soát cán bộ nhưng theo thẩm quyền thì không thể về địa phương xác minh được mà chỉ căn cứ vào quá trình công tác, còn lý lịch thì phải do một cơ quan khác.
"Trong hồ sơ của Sở Tư pháp chuyển sang, hằng năm đều có đánh giá đối với ông Huy. Khi chúng tôi tiếp nhận và kiểm tra đều không có gì nên hoàn toàn tin tưởng" - vị này cho biết.
PV tiếp tục đặt câu hỏi về việc sau khi bị truy nã, ông Huy lần lượt được kết nạp Đảng và tuyển dụng vào Sở Tư pháp; đây là hai quá trình yêu cầu sự thẩm tra lý lịch rất khắt khe, liệu có kẽ hở nào hay không mà lại không phát hiện việc ông này bị truy nã? Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ TAND tỉnh Hòa Bình không trả lời vì không nắm được trình tự thủ tục.
Như vậy, trong vụ việc trên, điều khó hiểu là phần lớn những người xung quanh ông Nguyễn Quang Huy, từ gia đình, cơ quan trực tiếp quản lý (TAND huyện) và cả cấp cao hơn (TAND tỉnh) đều không hay biết việc ông bị phát lệnh truy nã cách đây 26 năm.