Nhiều năm nay TP.HCM chứng kiến tình trạng xây sai phép, không phép ở nhiều nơi, nhiều cuộc họp, nhiều chỉ thị, kế hoạch… được ban hành nhằm ngăn chặn hành vi này. 11.000 vụ vi phạm xây dựng trong năm năm (hơn 2.000 vụ vi phạm/năm) là con số không nhỏ, nó như “vòi bạch tuộc” len lỏi từ trung tâm TP đến vùng ven...
Trong năm năm qua, để “chặt” từng “vòi bạch tuộc” này, TP.HCM đã phải huy động cả hệ thống, nhiều cơ quan chức năng cùng góp sức. Thậm chí năm 2019, bí thư Thành ủy lúc ấy từng thị sát việc cưỡng chế xây trái phép (ở quận Thủ Đức cũ). Thành quả của việc này là vi phạm trật tự xây dựng từng bước được kéo giảm qua từng năm, dù vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này, như sáu nguyên nhân mà Sở Xây dựng TP vừa nêu ra, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan. Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận công tác chấn chỉnh trật tự xây dựng tại TP lớn nhất cả nước này không hề đơn giản.
Khi tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nơi ở tăng cao, triển khai quy hoạch còn chậm cùng lợi nhuận quá lớn khiến các đầu nậu, “cò” xây dựng trái phép xuất hiện khắp nơi. Từng đi thực tế, tiếp xúc “cò” xây trái phép ở một huyện vùng ven, chúng tôi chứng kiến bức tranh mà ở đó phần lợi nhuận chỉ rơi vào tay những “vòi bạch tuộc” là “cò” này và những người tiếp tay khác, trong khi người dân là người chịu thiệt.
Ngay cả ở trung tâm (như quận 10) vẫn mọc lên những căn nhà vượt số tầng cho phép để xây dựng cơ sở kinh doanh karaoke… khiến quy hoạch bị xé nát. Hay như lâu lâu TP lại phát hiện cả trăm biệt thự “tự nhiên có” hoặc cả khu nhà hàng lấn rạch, xây trên đất nông nghiệp để kinh doanh.
Chặt “vòi bạch tuộc” xây trái phép hiển nhiên đụng chạm đến lợi ích của nhiều thành phần, nhiều người dân, kể cả các cán bộ bao che hoặc làm ngơ cho hành vi này. Vì vậy, việc làm này cần sự khéo léo và cả quyết liệt của cơ quan chức năng để vừa dẹp loạn hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhưng cũng xử lý thấu tình, đạt lý với từng trường hợp cụ thể.
Chúng tôi cũng từng bối rối khi nghe câu hỏi của người dân trót nghe theo “cò” xây nhà trên đất nông nghiệp: “Tôi làm có cái chòi - nhà cấp 4 cho mấy đứa nhỏ có chỗ chui ra chui vô, sao nhà cao mấy tầng kia cũng không phép, chính quyền không dẹp đi mà cứ xử chúng tôi?”.
Chòi vịt hay biệt thự xây sai phép về cơ bản đều vi phạm pháp luật nhưng xử ra sao, cưỡng chế như thế nào là vấn đề nan giải, không chỉ với riêng cơ quan chức năng ở quận, huyện mà còn là vấn đề của TP.HCM. Khi để “vòi bạch tuộc” lan tỏa càng nhiều, chân rết bám rễ nhiều nơi, nó sẽ thành “mạng lưới” và khi ấy muốn chặt cũng không biết chặt từ đâu.
(PLO)- Chủ khu ẩm thực Bình Xuyên (huyện Bình Chánh) vừa có đơn gửi UBND huyện này xin được tồn tại công trình đến khi hết quy hoạch treo và cam kết sẽ tự tháo dỡ.