Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat ngày 15-4, hai chuyên gia Matthew P. Goodman - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) và Aidan Arasasingham - điều phối viên chương trình và trợ lý nghiên cứu tại CSIS cho rằng các đối tác khu vực đang có nhiều băn khoăn về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) - IPEF. Khuôn khổ này được Tổng thống Mỹ Joe Biden giới thiệu từ tháng 10-2021. Hoan nghênh Mỹ quay trở lại lĩnh vực kinh tế, các đối tác trong khu vực vẫn hoài nghi về lợi ích của việc tham gia IPEF. Để thu hút sự quan tâm và tham gia của các đối tác, Mỹ phải giải quyết băn khoăn của các nước.
Hai chuyên gia cho biết trong ba tháng qua họ đã phỏng vấn đại diện từ hơn một chục chính phủ ở AĐD-TBD, nói chuyện với đại diện nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển từ Đông, Đông Nam và Nam Á cũng như châu Đại Dương.
Đầu tiên, các chính phủ hoan nghênh IPEF, coi đây như một biểu tượng của sự gắn kết về kinh tế của Mỹ với khu vực sau nhiều năm bên lề. Mặc dù muốn Mỹ tham gia lại TPP hoặc thỏa thuận kế nhiệm là Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên TBD (CPTPP) nhưng nhiều nước trong khu vực vẫn ủng hộ IPEF như một sáng kiến độc lập.
Thứ hai, các đối tác muốn IPEF càng toàn diện càng tốt. Thành công của IPEF phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể thu hút các nước đang phát triển từ Đông Nam Á, Nam Á và TBD - đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ hay không.
Thứ ba, sự thiếu rõ ràng về hình thức, chức năng, mục tiêu hướng tới và cách thức đàm phán của IPEF khiến các đối tác châu Á băn khoăn.
Thứ tư, nhiều nước đánh giá IPEF là một đề xuất với nhiều yêu cầu mà ít đề nghị từ Mỹ. Theo báo SCMP, nhiều nước cho rằng IPEF không tạo nhiều động lực tham gia, khi không chú trọng tạo điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ. Nếu không có điều này, các đối tác sẽ thấy lợi ích không nhiều, đặc biệt khi so sánh với các giải pháp thay thế như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) do Trung Quốc lãnh đạo.
Quyền đại sứ Mỹ tại Seoul Christopher Del Corso (trái) và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo gặp tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc ở Seoul hôm 19-4. Ảnh: KOREAJOONGANGDAILY |
Cuối cùng, nhiều chính phủ lo ngại về năng lực của Mỹ trong việc duy trì IPEF trước sự biến động của chính trị trong nước. Nói rõ hơn điều này, SCMP cho rằng với việc IPEF được thiết lập dựa trên lệnh hành pháp của tổng thống, nó có thể bị các chính quyền tiếp theo loại bỏ, vì nó không phải là hiệp ước được thượng viện phê chuẩn. Nếu Mỹ có thể giải quyết các băn khoăn liên quan đến hình thức, chức năng, lợi ích, tính toàn diện và độ bền vững của IPEF thì khuôn khổ này có cơ hội thực sự thuyết phục được các nước khu vực.
Việc này sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian và đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đáp ứng yêu cầu từ các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, hai chuyên gia lạc quan rằng phía Mỹ sẽ xử lý được các mối quan ngại này vì nhu cầu về sự can dự kinh tế của Mỹ ở AĐD-TBD vẫn cấp bách. IPEF là bước khởi đầu thuận lợi của chính quyền ông Biden nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Thành công về chiến lược và kinh tế của Mỹ ở AĐD-TBD, cũng như sự thịnh vượng chung của tất cả đối tác khu vực có liên quan, sẽ đáng giá với nỗ lực xây dựng sự đồng thuận đằng sau khuôn khổ này. Đây là bước đi cần thiết để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ trong khu vực năng động nhất thế giới.