Châu Âu trước nguy cơ khủng hoảng nguồn cung và giá khí đốt

(PLO)- Việc Nga khóa van khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria được cho là bước căng thẳng mới trong cuộc đối đầu giữa nước này với EU.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom ngày 27-4 thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do không nhận được khoản thanh toán hợp đồng tháng 4 bằng đồng rúp từ hai nước này. Giới quan sát cho rằng hành động này của Nga chứng tỏ nước này không đe dọa suông sau cảnh báo tháng trước rằng sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho những nước “thiếu thân thiện” không chịu thanh toán hợp đồng bằng đồng rúp theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.

Một hệ thống phân phối khí đốt ở khu vực Gustorzyn của Ba Lan (ảnh chụp hồi tháng 8-2020). Ảnh: REUTERS

Một hệ thống phân phối khí đốt ở khu vực Gustorzyn của Ba Lan (ảnh chụp hồi tháng 8-2020). Ảnh: REUTERS

Tính toán sai lầm của EU?

Tờ The New York Times bình luận bất chấp cảnh báo từ Moscow, Liên minh châu Âu (EU) nhiều tuần qua vẫn chần chừ trong quyết định chấp nhận quy trình thanh toán mới cho khí đốt Nga vì cho rằng Nga sẽ không thực sự khóa van khí đốt thật.

Quyết định mạnh tay của Gazprom với Ba Lan và Bulgaria, hai thành viên EU, cho thấy Moscow dường như đang muốn tăng hơn nữa sức ép để EU đáp ứng đầy đủ điều kiện Nga đặt ra trong cuộc đấu khí đốt hiện nay.

Về phía EU, quyết định cắt khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria của Gazprom dường như đã kéo các thành viên của khối trở về với thực tế. Họ giờ đây phải lựa chọn chấp nhận những điều kiện mà Tổng thống Putin đã đặt ra hoặc đối diện viễn cảnh “thắt lưng buộc bụng” khí đốt trong nhiều tháng tới, đến khi tìm được nguồn cung thay thế đủ lớn. Thời gian không còn nhiều cho EU khi hạn chót thanh toán của các công ty năng lượng châu Âu đang đến gần, trong khi Moscow không có dấu hiệu cho thấy sẽ nhượng bộ.

Thị trường đã bắt đầu hoang mang trước viễn cảnh Nga khóa thêm nhiều đường ống, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 24% sau thông báo từ Gazprom.

“Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ quan trọng sau bước leo thang của Nga” - ông Piotr Naimski, một quan chức hàng đầu trong chính phủ Ba Lan phụ trách hạ tầng năng lượng chiến lược, nhận xét.

Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước ra khuyến nghị rằng các công ty EU sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt khi thanh toán hợp đồng với đối tác Nga nếu họ chuyển euro hoặc USD vào tài khoản Ngân hàng Gazprombank của Nga, rồi để đối tác này tự quy đổi sang đồng rúp.

Về lý thuyết, khuyến nghị của EC đã mở ra lối thoát pháp lý cho các công ty năng lượng EU nhưng tính thực tiễn vẫn là dấu hỏi lớn vì yếu tố trung gian là Ngân hàng Gazprombank và Nga kiểm soát hoàn toàn khâu cuối quy trình thanh toán, theo hãng tin Reuters. Giới quan sát nhận định rằng khuyến nghị của EC là tín hiệu ban đầu cho thấy EU sẵn sàng chấp nhận một phần yêu cầu của Nga.

Ba Lan có thể là tấm gương cho bất kỳ khách hàng nào không chấp nhận cơ chế thanh toán mới. Họ sẽ chịu cảnh bị cắt nguồn khí đốt một khi thanh toán không đến tài khoản của Gazprom đúng thời hạn. Nga sẽ tiếp tục cắt khí đốt đối với bất kỳ quốc gia nào không thân thiện với chúng tôi.

Chủ tịch Hạ viện Nga VYACHESLAV VOLODIN

Tác động của động thái Nga ra sao?

Hiện thị trường đã bắt đầu hoang mang trước viễn cảnh Nga khóa thêm nhiều đường ống, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 24% sau khi Gazprom thông báo cắt khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria. Khả năng sẽ còn thêm nước châu Âu bị Nga cắt khí đốt, khi Slovakia và Phần Lan tuyên bố sẽ không làm theo yêu cầu phía Nga phải thanh toán bằng đồng rúp.

Dù thế, hãng tin Bloomberg cho biết đến lúc này quyết định chặn khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria của Nga chưa gây ra nhiều tác động lớn, do châu Âu thời điểm này bắt đầu bước vào mùa hè và nhu cầu sưởi ấm của người dân giảm xuống đáng kể.

Tuy nhiên, “áp lực khi mùa đông tới sẽ lớn hơn rất nhiều”, theo Bloomberg. Các chính quyền châu Âu cần bắt đầu triển khai mọi biện pháp ứng phó khẩn cấp, trên cả hai phương diện cung lẫn cầu, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong cuộc đấu khí đốt với Nga, Bloomberg khuyến nghị.

Giải pháp trước mắt của EU, theo một nguồn tin quan chức châu Âu, khối này có kế hoạch tăng đáng kể việc mua khí đốt tự nhiên của Nga thông qua các quốc gia sẵn sàng thanh toán cho Nga bằng đồng rúp.

“Một cuộc họp khẩn cấp của nhóm điều phối khí đốt đã diễn ra hôm nay do tình hình ở Ba Lan và Bulgaria. Một quyết định tạm thời được đưa ra nhằm tăng đáng kể lượng mua khí đốt từ Nga thông qua các kênh còn lại, điều này sẽ cho phép Ba Lan và Bulgaria mua thêm khối lượng khí đốt trên thị trường châu Âu. EU cũng đang làm việc với tất cả đối tác để đảm bảo tăng nguồn cung cấp khí đốt, chủ yếu là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)” - hãng thông tấn TASS dẫn lời nguồn tin quan chức châu Âu.

Hiện một số nước châu Âu đã thông báo sẽ làm theo yêu cầu của Nga. Hungary thông báo sẽ tuân thủ lộ trình thanh toán do Nga đặt ra, bởi nước này “không có nguồn hoặc lộ trình thay thế nào cho khí đốt Nga trong vài năm tới” khi 85% nguồn cung khí đốt và 65% nguồn dầu của Hungary đến từ Nga. Áo ngày 27-4 cũng thông báo chấp nhận cơ chế thanh toán của Nga.

Thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận đã có một số nước châu Âu đồng ý chuyển tiền theo quy trình thanh toán mới của Nga đối với các hợp đồng mua khí đốt.

“Về dài hạn, các nước EU xác nhận ý định của họ trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể - trong vài tháng hoặc vài năm - để giảm thiểu hoặc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, thay thế bằng các nguồn khác. EU sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh” - nguồn tin cho biết thêm, lặp lại các tuyên bố trước đó của nhiều quan chức EU rằng khối này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.•

Nga giành lợi thế ban đầu

The New York Times cho rằng những diễn biến trên cho thấy Nga đã giành được lợi thế ban đầu trong cuộc đấu khí đốt với EU. Tuy nhiên, Moscow cũng sẽ phải đối mặt với một hệ quả là chiến lược cứng rắn của họ sẽ thúc đẩy EU vững quyết tâm thoát phụ thuộc năng lượng vào Nga - vốn đã dần định hình từ khi căng thẳng Nga - Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái.

Đây là cột mốc lịch sử trong quan hệ năng lượng giữa các nước EU với Nga, báo hiệu chiến lược mà Moscow sẽ áp dụng trong vài tuần tới với phần còn lại của châu Âu, trong đó có những quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga như Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm