‘Chạy đua’ cùng Miura

Trưởng đoàn đội U-19 Việt Nam Dương Vũ Lâm kể lại ông từng chứng kiến HLV Miura đi xem cầu thủ trẻ thi đấu giải U-22 tại Brunei đã tranh thủ xuống sân tập ké như một thói quen. Ông Miura đã chạy một mạch quanh sân vận động với tốc độ trung bình trong suốt một giờ rưỡi, đúng bằng thời gian tập luyện của các cầu thủ U-19 Việt Nam. Ông Dương Vũ Lâm mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên vì không ngờ vị HLV 51 tuổi vẫn tự rèn luyện nghiêm túc và còn chạy tốt như thế. Ngay trên sân đá phủi của ban huấn luyện đội tuyển với các cơ quan ở Hà Nội, ông Miura mặc áo số 10 cũng di chuyển nhiều nhất dù ông luôn là một trong những người già nhất trên sân.

Nhớ những ngày đầu dẫn dắt các đội tuyển, HLV Miura đã nhận ra ngay cái nền thể lực của cầu thủ quá yếu. Ông đã cất công tìm hiểu kỹ qua đồng hương Koji làm trưởng giải V-League từng cho ra thông số bình quân cầu thủ Việt Nam chạy mỗi trận khoảng 5-6 km, thua xa đồng nghiệp châu Á trong 90 phút di chuyển 10 km.

Chính vì thế HLV Miura đã đặt vấn đề lên bàn VFF yêu cầu đội tuyển phải có một chuyên gia thể lực và trong lần tập huấn ở Nhật Bản, các tuyển thủ đã “ngấm đòn” nhồi thể lực của chuyên gia thể lực Hiroo.

Cũng rất nhiều lần HLV Miura nghe loáng thoáng có cầu thủ than thở về những bài tập nặng mà ông cố tình đẩy sức lên cho học trò, ông đã thẳng thắn nói rõ ai không thể đáp ứng nổi đòi hỏi của mình là thiếu chuyên nghiệp và buộc phải tự loại mình. Một số trường hợp bị loại trên tuyển ngoài lý do về chuyên môn còn là việc tự đào thải của cầu thủ không theo kịp giáo án tăng cường sức mạnh của thầy Miura.

Hiệu ứng đầu tiên trên tuyển là tại Asiad 17, các tuyển thủ Olympic Việt Nam đua sức không biết mệt mỏi với các đối thủ cao to hơn mình như Iran, UAE, Jordan. Gần 10 cầu thủ Olympic có mặt trên tuyển dự AFF Cup 2014 cùng các đàn anh sau ba trận vòng bảng đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt về thể lực khi trận nào cũng đua sức không thua kém nhiều đồng nghiệp to cao của Indonesia, Philippines.

Ông Miura sau khi giải xong bài toán thể lực đã rất dễ dàng dạy cho các học trò cách đá nhanh, ít chạm và di chuyển nhiều. Có thể thấy những Thành Lương, Văn Quyết, Minh Tuấn… thấp và “mỏng cơm” hơn đối thủ rất nhiều nhưng không thua về sức mà thậm chí tốc độ còn nhỉnh hơn. Còn lại hầu hết các tuyển thủ trước đây di chuyển bảo đảm yêu cầu chiến thuật đến giữa hiệp 2 thường đuối chân thì bây giờ họ có thể chạy ngon lành suốt 90 phút.

Ông thầy người Nhật với tấm gương tự rèn sức cho mình đã bắt các học trò trong cuộc chạy đua nâng tầm thể lực bước đầu gặt hái thành công với chiếc vé nhất bảng vào bán kết AFF Cup bằng chính sức lực của mình mà không phụ thuộc vào yếu tố ăn may.

ĐĂNG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm