“Hiện đã có quy định, biện pháp đầy đủ để “can thiệp” khi giá xăng dầu giảm song doanh nghiệp (DN) trì hoãn giảm giá cước vận tải. Do vậy không cần bàn bạc, tìm tòi thêm biện pháp, cách thức chi cho mệt mà chỉ cần… thực hiện là được”. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, bất ngờ “tiết lộ” như trên tại buổi tọa đàm bàn biện pháp can thiệp giảm giá cước vận tải khi giá xăng dầu giảm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) tổ chức vào chiều qua (8-9).
Có “công cụ” mà không xài
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, hiện là tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, khẳng định quy định quản lý giá theo cơ chế thị trường, DN tự quyết định giá. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 11 Luật Giá có quy định “DN phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Do đó việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của DN vận tải. DN không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt theo Nghị định 109/2013, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý.
Ông Thỏa cũng khẳng định DN có thể không giảm giá cước nếu chứng minh được tuy giá xăng dầu giảm nhưng có những chi phí đầu vào khác tăng giá khiến giá cước không thể giảm được, ví dụ có tăng lương, có phát sinh khoản chi mới. Còn trường hợp các yếu tố hình thành giá đều ổn định mà giá xăng dầu giảm thì DN phải giảm giá tương xứng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinastas, thắc mắc từ tháng 7-2015 đến nay, sau năm lần giá xăng dầu giảm liên tục nhưng giá cước vận tải hầu như không nhúc nhích. Việc giá cước đứng yên đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chất vấn: “Trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở GTVT ở đâu? Nếu Sở Tài chính làm quyết liệt thì hoàn toàn có thể xử lý được DN không giảm giá. Hiện đã có DN nào chưa? Biện pháp đã có nên vấn đề là các anh có chịu làm hay không”.
Hành khách mong giá cước taxi giảm theo giá xăng. Ảnh: HTD
“Chưa giảm là đúng”
Đại diện Sở Tài chính lập tức cung cấp thông tin về giá xăng - giá cước giúp các diễn giả tọa đàm và người tiêu dùng “hạ hỏa” vì giá cước vận tải chưa kịp giảm. Theo đó, nếu so sánh giá xăng dầu và cước vận tải liên tục thì sẽ hiểu tại sao các hãng taxi, xe đò, xe chở hàng chưa điều chỉnh giá. Cụ thể, từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2015 giá xăng tăng gần 23% (từ 15.670 đồng/lít thành 19.230 đồng/lít). Nếu tính theo tỉ lệ thì cước taxi có thể tăng 1.000 đồng/km nhưng giai đoạn này ít DN tăng cước. Nếu có, như Mai Linh, Vinasun chỉ tăng 500 đồng/km. Lúc đấy sao không thấy ai chất vấn sao cước vận tải chưa tăng tương xứng (?!). Kế đến, từ tháng 5-2015 đến nay, giá xăng giảm khoảng 10% (còn 17.330 đồng/lít) nhưng nó vẫn còn cao hơn giá xăng hồi tháng 1-2015. “Vậy thì cơ sở đâu mà Sở Tài chính bắt DN giảm giá, nhất là với những DN vẫn giữ giá như trước đó?” - vị này thắc mắc.
Cũng theo vị này, một số hãng xe taxi (như Vinataxi) đã tăng cước 500 đồng/km thì nay đã giảm giá cùng giá tăng ấy và xem như về lại giá cước ban đầu (trong khi giá xăng cao hơn). Với DN chưa giảm, như hãng xe taxi Mai Linh từng tăng 500 đồng/km thì Sở Tài chính đã nhắc và hãng xe này cũng cam kết sẽ giảm cước taxi trước ngày 10-9. Vị này nói thêm: “Tháng 1-2015 đã có nhiều đoàn kiểm tra của các bộ, các cục về giá xăng dầu, giá cước vận tải và có kết luận chúng tương xứng nhau. Những DN nào chưa giảm tương xứng đều bị yêu cầu điều chỉnh lại cho phù hợp. Hiện Sở Tài chính đang phối hợp theo dõi sát sao và khi có đủ cơ sở sẽ yêu cầu DN điều chỉnh giá cho phù hợp”.
Taxi giảm 500 đồng/km và vận tải hàng hóa đang giảm Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết sau khi xăng dầu giảm, hiệp hội có văn bản đề nghị và vận động các hãng taxi giảm giá cước. Đến nay có ba đơn vị thông báo giảm 500 đồng/km là Vinasun, Mai Linh và Saigon Air. Riêng Vinasun sẽ áp dụng giảm từ 9-9-2015. Các đơn vị khác cho biết đang rà soát tính toán lại để có mức giảm hợp lý. Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết hiện đã có các đơn vị vận tải giảm giá theo thỏa thuận với các chủ hàng. Khác với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều yếu tố khác như theo từng lô hàng, theo cự ly, các tuyến đường… nên giá vận tải hàng hóa tùy thuộc từng hợp đồng cụ thể giữa doanh nghiệp vận tải với chủ hàng. Có hợp đồng chốt giá thì xăng dầu giảm, tăng giá thì giá cước không thay đổi. Có hợp đồng điều chỉnh giá cũng tùy thuộc biến động trong dung sai bao nhiêu theo thỏa thuận mới điều chỉnh… TÚ UYÊN Còn nhiều chi phí khác tăng Hằng năm chúng ta đều có điều chỉnh tăng lương, khoản phí cầu đường, phí qua trạm cũng tăng, phát sinh thêm trạm thu phí mới... Vì vậy không thể chỉ dựa vào mức giảm xăng dầu mà “ép” DN vận tải giảm giá cước “tương xứng”. Bản thân tôi đi Grap Taxi thấy siêu rẻ luôn, cạnh tranh taxi hiện giờ đã khốc liệt hơn nhờ các ứng dụng smart taxi nên DN taxi không tăng giá vô tội vạ được đâu. Về phía vận tải hàng hóa thì có hàng ngàn DN kinh doanh vận tải cạnh tranh khốc liệt nên DN sử dụng dịch vụ không phải lo giá cả không cạnh tranh! Ông NGUYỄN QUỐC CHIẾN, |