Hàn Quốc (HQ) gần đây đã phá kỷ lục của chính mình về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Số liệu công bố vào tháng 11 cho thấy số con trung bình mà một phụ nữ HQ muốn có giảm xuống chỉ còn 0,79, theo đài CNN.
Con số này chưa bằng một nửa so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định, theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà HQ là một thành viên. Thậm chí, số liệu này còn thấp so với các quốc gia phát triển khác vốn có tỉ lệ sinh đang giảm - như Mỹ (1,6), Nhật (1,3).
Bên cạnh đó, tỉ lệ sinh thấp khiến HQ đối mặt tình trạng thiếu lao động và phải chi tiêu nhiều cho hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo phúc lợi cho người cao tuổi.
Khu chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP |
Gốc rễ của tỉ lệ sinh thấp
Theo đài BBC, vào năm 2020, HQ lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh. Trong năm 2021, số các cặp đôi đăng ký kết hôn ở HQ là 193.000 cặp đôi - mức thấp nhất trong lịch sử nước này. Cũng trong năm này, chỉ có 260.600 trẻ em được sinh ra, tương đương 0,5% dân số HQ.
HQ hiện có hơn 51 triệu dân. Tuy nhiên, theo theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, trong số các nền kinh tế có GDP bình quân đầu người ít nhất là 30.000 USD, HQ là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất. Đến năm 2100, dân số của quốc gia Đông Bắc Á này được dự đoán sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.
Thách thức kinh tế với người trẻ là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở HQ xuống thấp.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia (Nhật), trong số các quốc gia được khảo sát, HQ là nước mà người dân phải chi trả nhiều nhất để đảm bảo cho con họ hoàn thành giáo dục đến bậc đại học.
Giá nhà đất tăng vọt cũng khiến nhiều người trẻ e dè trong việc kết hôn. Một ngôi nhà ở thủ đô Seoul đòi hỏi người mua phải bỏ ra thu nhập trung bình trong 18 năm, trong trường hợp không mượn bất kỳ khoản vay nào, theo hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tỷ lệ sinh thấp ở HQ là vấn đề mang bản chất xã hội hơn là kinh tế. Theo đó, vấn đề này có khả năng tiếp tục sẽ tồn tại, cho dù xã hội có tạo ra nhiều của cải vật chất hơn.
CNN dẫn lời giáo sư Cho Hee-kyoung cho biết: “Chúng tôi vẫn có cách tiếp cận rất thuần túy đối với các bà mẹ đơn thân. Cứ như thể họ đã làm sai điều gì đó khi mang thai ngoài giá thú. Tại sao nhất thiết phải có hôn nhân mới có thể nuôi con”?
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật HQ cũng đặt ra nhiều quy định khá phức tạp trong việc các cặp vợ chồng chưa cưới nhận con nuôi.
Xu hướng sống độc thân của giới trẻ HQ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở quốc gia này giảm nhanh trong thời gian gần đây.
Cô Lee Jin-song - tác giả của nhiều cuốn sách về xu hướng không kết hôn hoặc sinh con của những người trẻ tuổi - cho biết nếu một người trẻ ở HQ vẫn còn độc thân ở tuổi 25, họ sẽ bị nhiều người nhìn nhận như một sự khác biệt.
“Kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều trong xã hội HQ, đặc biệt là trong thập niên qua. Vì vậy, nhiều phụ nữ bắt đầu khám phá khả năng có thể sống tốt mà không cần kết hôn” - cô Lee nói.
Điểm bán xe nôi tại một hội chợ dành cho trẻ sơ sinh tại Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP |
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Cho cho rằng xã hội HQ vẫn còn tồn tại quan điểm người cha sẽ là người đi làm kiếm tiền và người mẹ có bổn phận chăm sóc gia đình, ngay cả khi cô ấy cũng đi làm.
“Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng mà phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, nhưng khi họ về nhà, phụ nữ phải làm việc nhà, chăm sóc con cái và hỗ trợ về mặt tinh thần cho chồng” - giáo sư Cho nói.
Nhiều người đàn ông ở HQ cũng rất muốn phụ giúp vào quá trình chăm sóc con cái. Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh ở nước này không phải lúc nào cũng cho phép điều đó xảy ra.
Cô Lee Se-eun có hai con trai 3 tuổi và 5 tuổi. Trả lời phỏng vấn CNN, cô cho biết cô mong chồng giúp đỡ mình nhiều hơn nhưng anh hiếm khi về nhà đúng giờ.
Cô Lee nói: “Sẽ thật tuyệt nếu các công ty nhìn nhận những nhân viên có con nhỏ theo một cách khác, chẳng hạn không mời họ tham gia bữa tối hoặc không bắt họ làm ca tối”.
Trợ cấp thôi chưa đủ
Trong chuyến thăm một nhà trẻ vào tháng 9, Tổng thống HQ Yoon Suk-yeol cho biết nước này đã chi hơn 200 tỉ USD để phục vụ cho nỗ lực tăng dân số trong 16 năm qua.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, chính quyền của Tổng thống Yoon đã đưa ra nhiều cải cách để nâng tỉ lệ sinh ở HQ, đáng kể là việc thành lập ủy ban thảo luận về tỉ lệ sinh thấp và cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho trẻ sơ sinh.
Dự kiến, khoản trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi sẽ tăng từ 300.000 won (230 USD) hiện tại lên 700.000 won (540 USD) vào năm 2023 và lên 1 triệu won (770 USD) vào năm 2024. Khi đứa trẻ tròn một tuổi, khoản trợ cấp sẽ giảm đi một nửa và kéo dài thêm một năm nữa.
Theo Bloomberg, khoản trợ cấp 1 triệu won nằm trong số các cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Yoon nhằm giải quyết tỉ lệ sinh thấp của HQ. Ông Yoon từng nhận định sinh suất thấp là một “thảm họa” đối với HQ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nước này đã chi hơn 200 tỉ USD để phục vụ cho nỗ lực tăng dân số trong 16 năm qua. Ảnh: GETTY IMAGES |
Nhiều chuyên gia cho rằng cách tiếp cận hỗ trợ hiện nay của chính phủ HQ còn mang tính một chiều, điều cần thiết là có sự hỗ trợ trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.
Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Jung Chang-lyul, chuyên gia về phúc lợi xã hội tại Đại học Dankook (HQ), cho rằng những trợ cấp bằng tiền mặt là “hoàn toàn vô ích”.
“Trong một xã hội mà trẻ em bắt đầu được giáo dục tư thục ngay từ 2 hoặc 3 tuổi, và sự giàu có của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của con trẻ, những người không khá giả về tài chính nghĩ rằng việc sinh con là một quyết định khó khăn” - giáo sư Jung nói.
Đồng tình, cô Choi Jung-hee - một nhân viên văn phòng mới cưới và không có kế hoạch sinh con - nói: “Cuộc sống của tôi và chồng tôi là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi muốn có một cuộc sống vui vẻ bên nhau. Trong khi mọi người nói rằng có con có thể mang lại cho chúng tôi hạnh phúc, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải từ bỏ rất nhiều thứ”.