Chỉ cho số điện thoại, thành đồng phạm buôn người?

Ngày 7-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm năm năm tù đối với bị cáo Lê Thị Re về tội buôn bán người. Điều đáng chú ý tại phiên xử này là chuyện các nạn nhân khẳng định bị cáo không phải là người giới thiệu cho họ đi lấy chồng ngoại quốc.

Giúp sức buôn bán phụ nữ?

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, năm 2008, Nguyễn Thị Vân (thợ may, đã bị cấp sơ thẩm kết án bảy năm tù, không kháng cáo) quen biết với ông Hai, một người không rõ lai lịch. Ông Hai bàn với Vân đi tuyển chọn các cô gái ở Tây Ninh muốn lấy chồng nước ngoài rồi bàn giao lại để ông này gả bán cho đàn ông Malaysia mua về làm vợ. Mọi chi phí đi lại ông Hai sẽ thanh toán, Vân được trả công 300.000 đồng/người.

Sau đó, Vân bắt đầu quá trình tìm kiếm phụ nữ để “nhượng” lại cho ông Hai. Do biết Vân thường giới thiệu, giúp đỡ phụ nữ xuất ngoại lấy chồng nên bị cáo Re, một phụ nữ ở nhà nội trợ đã tìm Vân nhờ giúp đỡ cho người cháu gái. Gặp nhau, Vân nói Re đi tìm, giới thiệu phụ nữ cho Vân tuyển, đưa sang Malaysia lấy chồng. Re đã tìm và giới thiệu được ba phụ nữ tuổi từ 17 đến 20 muốn lấy chồng nước ngoài cho Vân. Những người này phải nộp cho Vân 8 triệu đồng để Vân lo chi phí. Cầm tiền của họ, Vân trả công giới thiệu cho Re 1 triệu đồng/người…

Khi xét xử sơ thẩm hồi tháng 12-2011, TAND tỉnh Tây Ninh đã nhận định trong vụ án, Vân là chủ mưu, Re là đồng phạm giúp sức. Sau đó, Vân không kháng cáo, còn Re kháng cáo kêu oan.

Chỉ cho số điện thoại, thành đồng phạm buôn người? ảnh 1

Bị cáo Re ngất lịm khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: DH

Đã đủ căn cứ chứng minh đồng phạm?

Tại tòa, Re kêu oan rằng mình không hề giới thiệu các nạn nhân cho Vân để hưởng lợi bất chính một đồng nào từ Vân như cáo trạng quy kết cả. Bị cáo khai rằng trước đó chỉ tìm gặp Vân để nhờ giúp cho chính cháu gái ruột của mình đi lấy chồng ngoại. Sau này, khi nghe ba nạn nhân tâm sự muốn lấy chồng ngoại quốc, bị cáo chỉ cho họ số điện thoại của Vân để họ trực tiếp liên lạc. Còn lại, bị cáo không hề hay biết gì về chuyện thỏa thuận, tiền nong giữa họ với Vân cả.

Lời khai của bị cáo Re đã được các nạn nhân xác nhận ngay tại phiên tòa. Luật sư bào chữa cho Re thì cho rằng việc quy kết bị cáo phạm tội buôn bán người với vai trò đồng phạm giúp sức là không có cơ sở. Cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của Vân để buộc tội Re mà không chứng minh được có sự đồng phạm như cách thức câu kết của Re với Vân, cách Re tìm kiếm phụ nữ để lừa bán sang nước ngoài, chứng cứ chứng minh Re nhận tiền công từ Vân... Tại cơ quan điều tra, số tiền công mà Vân khai đưa cho Re cũng bất nhất. Lúc thì Vân khai 1 triệu đồng/người, lúc 3 triệu đồng/người, tại phiên tòa phúc thẩm thì lại khai đưa tổng cộng 8 triệu đồng.

Ngoài ra, theo luật sư, cách thức điều tra của cơ quan điều tra cũng rất tùy tiện như không hề triệu tập các nạn nhân trong vụ án đến trụ sở cơ quan công an lấy lời khai. Tại tòa, các nạn nhân cũng khai chỉ gặp, làm việc với cán bộ điều tra tại chợ và quán cà phê (?!). Chưa hết, theo luật sư, điều tra viên đã làm mất biên bản đối chất giữa Re và một người có nghĩa vụ liên quan trong hồ sơ vụ án (người đã đi cùng Re tới gặp Vân nhờ giúp cho cháu gái Re lấy được chồng ngoại), làm ảnh hưởng tới việc xác định sự thật của vụ án...

Từ đó, luật sư đã yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định lại vai trò đồng phạm giúp sức của Re và xác định vai trò của đối tượng tên Hai. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác yêu cầu này với nhận định đã đủ chứng minh bị cáo phạm tội.

Ngay sau phiên xử, gia đình Re cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại giám đốc thẩm để xin minh oan cho bị cáo.

Bi hài giấc mơ lấy chồng ngoại

Các nạn nhân trong vụ án này đều còn khá trẻ. Theo dõi phiên xử phúc thẩm, nhìn họ, nhiều người dự khán rỉ tai nhau: “May mà có đường về”... Thế nhưng trong suy nghĩ của những cô gái ấy, họ vẫn mong được đổi đời, được giàu sang nhờ vào những người chồng ngoại quốc.

“Tôi thấy chị tôi sang nước ngoài lấy chồng giàu có. Chị theo chồng về thăm quê, ăn mặc đẹp, có tiền gửi về cho ba mẹ. Thấy thế tôi cũng ước mình có được người chồng giàu sang để được sống sung túc” - một nạn nhân hồn nhiên nói với tôi. Khi tôi nhắc lại những chuyện phụ nữ Việt lấy chồng ngoại bị bạo hành, bị bán vào ổ mại dâm, rồi những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa…, một cô gái khác thở dài: “May mắn tôi đã về được Việt Nam. Qua đó, thấy ông chồng tương lai già gần bằng ông nội tôi mà sợ phát khiếp”. Kế bên, một cô nữa chợt nói vọng vào:  “Vẫn biết thế… nhưng nhỡ đâu… số mình lại may mắn”...

Các cô mong được xuất ngoại, lấy được một người chồng giàu có để thoát cảnh nghèo túng với một niềm hy vọng mơ hồ rằng “nhỡ đâu”... Trước cái suy nghĩ quá đơn giản và nông cạn ấy, chủ tọa phiên tòa đã phải cảnh tỉnh họ: “Hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ tình yêu chứ không chỉ đơn thuần là sự giàu sang vật chất”!

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm