'Chỉ có quyền tự do kinh doanh, không có quyền anh quyền tôi'

Tại cuộc họp báo do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 27-6, PLO đã đặt câu hỏi với ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh về ngành nghề “tư vấn pháp luật”.

Trước đó, vấn đề này đã “gây xôn xao” dư luận khi ngoài các Luật sư, thì cả Đoàn Luật sư TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng đề nghị bác quan điểm của Bộ KH&ĐT

Mặt khác, theo tìm hiểu của PLO, dường như vấn đề này còn liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT. Ông Bùi Anh Tuấn nói rằng: “Trong vấn đề này, chúng tôi khẳng định không có quyền anh quyền tôi, chỉ có quyền tự do kinh doanh của người dân”. 

Theo ông Tuấn, hiện nay có hai quan điểm về ngành nghề “tư vấn pháp luật”. Một quan điểm cho rằng: tư vấn pháp luật chỉ có luật sư mới được làm. Quan điểm khác lại nói, mọi người đều có quyền “tư vấn pháp luật” trừ những công việc mà luật sư làm theo quy định của Luật Luật sư, các Luật về tố tụng,... 

Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn nói nếu chỉ có luật sư được làm tư vấn pháp luật thì sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy. Ảnh: LÊ TIÊN

Ông Tuấn giải thích: Về mặt pháp lý, Luật Luật sư quy định bốn nhóm ngành nghề mà luật sư được làm là tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và hoạt động dịch vụ pháp lý khác, nhưng không có quy định chỉ LS mới được làm những ngành nghề đó. Điều 33 Hiến pháp 2013 thì nói mọi người có quyền kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.  “Với hoạt động tư vấn pháp luật thì luật không cấm”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng nếu “tư vấn pháp luật” mà chỉ có luật sư mới được làm thì đối tượng cung cấp dịch vụ sẽ rất hẹp, trong khi nhu cầu của người dân là vô cùng lớn. Bởi những ngành nghề như: “tư vấn pháp luật, “hoạt động dịch vụ pháp lý khác” là rất rộng, đó có thể là tư vấn thuế, tư vấn du học, tư vấn thủ tục hành chính… tất cả đều liên quan đến pháp luật.

“Nếu chỉ có luật sư mới được quyền tư vấn pháp luật thì đồng nghĩa với việc quyền tiếp cận các dịch vụ pháp lý của người dân cũng bị bó hẹp”, ông Tuấn nhận định.

Về nguyên tắc thị trường, ông Tuấn nói phải để người dân lựa chọn người cung cấp dịch vụ cho mình, thị trường sẽ quyết định ai là người cung cấp phù hợp nhất... người tư vấn pháp luật về thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ giỏi nhất chưa chắc đã là luật sư và ngược lại.

Thực tế, hoạt động tư vấn pháp luật nên được coi là hoạt động khuyến khích phát triển thay vì hạn chế. Hoạt động tư vấn góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương lớn của nhà nước là nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, với chức năng đại diện ngoài tố tụng vốn rất rộng và rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, nếu cũng quy định chỉ luật sư mới có quyền làm, thì hệ lụy cho xã hội là rất lớn.

Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến quyền của doanh nghiệp nên Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các công ty luật và VCCI, hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.

Cuối cùng, ông Tuấn cho biết: “Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chúng tôi sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ, phối hợp với Bộ Tư pháp, VCCI báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

 

Đoàn Luật sư TP.HCM lên tiếng, Liên đoàn Luật sư VN thì chưa

Trước đó, nhiều luật sư đã lên tiếng trên mạng xã hội về vấn đề này. Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM đưa ra một kiến nghị và hai đề nghị:

1. Kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật LS; chỉ đạo Bộ KH&ĐT thu hồi Công văn số 1736 ngày 7-3-2017.

2. Đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM thu hồi giấy đăng ký DN đã cấp bổ sung ngành nghề “hoạt động tư vấn pháp luật, chi tiết: Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật (không theo các hình thức hành nghề của LS)” đã cấp cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên.

3. Đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tiến hành kiểm tra hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên và xử phạt vi phạm (nếu có) theo Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật LS và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Theo Đoàn LS TP.HCM, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định trợ giúp viên pháp lý phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề LS hoặc được miễn đào tạo nghề LS; đã qua thời gian tập sự hành nghề LS hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe; không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật (Điều 19).

Đoàn LS TP.HCM cũng cho hay: hầu hết các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM đều là LS thuộc Đoàn LS TP.HCM. 

Cho đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam vẫn chưa có ý kiến gì về vấn đề này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới