Chị em cụ bà 94 tuổi mỏi mòn chờ được thi hành án

(PLO)- Hai cụ được tòa chia thừa kế từ năm 2016, đã có đơn yêu cầu thi hành án ngay khi đó nhưng hiện vẫn chưa được nhận đồng tiền thừa kế nào.

Mới đây, hai chị em cụ Nguyễn Thị Vinh (94 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và cụ Nguyễn Thị Bê (84 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) đã gửi đơn đến báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh về việc suốt sáu năm vẫn chưa được thi hành án (THA) để nhận thừa kế theo bản án của tòa.

Gian nan chờ thi hành án

Năm 2008, hai cụ khởi kiện người em thứ năm yêu cầu chia phần di sản của cha mẹ. Sau nhiều lần xét xử, bản án phúc thẩm năm 2016 đã buộc vợ chồng người em và một người con của ông bà này liên đới chia giá trị thừa kế cho mỗi cụ hơn 1,3 tỉ đồng.

Tháng 5-2016, hai cụ làm đơn yêu cầu THA tại Chi cục THA dân sự quận Cái Răng. Sau đó, vụ việc được Cục THA dân sự TP Cần Thơ rút hồ sơ lên thụ lý giải quyết. Từ đây, hành trình gian nan chờ THA của hai cụ bắt đầu.

Cụ Vinh (trái) và cụ Bê mong sớm được thi hành án để có tiền dưỡng già. Ảnh: NHẪN NAM

Đến ngày cưỡng chế tài sản để THA thì một người phải THA vừa mổ tim, sức khỏe yếu không làm việc được. Nửa năm sau, việc THA tiếp tục đến phần ra bản vẽ thửa đất thì một người họ hàng với người phải THA khởi kiện việc tranh chấp ranh nhưng sau đó tòa trả đơn kiện vì người này không nộp án phí.

Rồi mãi đến cuối năm 2020, Cục THA mới lập biên bản kiểm tra, đo đạc hiện trạng tài sản kê biên; giữa năm 2021 mới có kết quả định giá tài sản và đến tháng 12-2021 mới đưa ra bán đấu giá tài sản.

Hai cụ chưa kịp vui mừng thì ông LPĐ (một trong những người phải THA) lại khiếu nại cho rằng trên đất bị kê biên còn mấy ngôi mộ của gia đình. Sau khi xác minh thì đúng là có hai ngôi mộ dù quá trình kê biên, đo đạc thửa đất có rất nhiều người tham gia, chứng kiến.

Tháng 4-2022 có biên bản kiểm tra đo đạc mới, đến tháng 9-2022 xong thủ tục định giá tài sản...

Và đến nay các cụ vẫn tiếp tục chờ được THA.

Khoảng một tuần nữa Cục THA dân sự TP Cần Thơ sẽ thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá nếu không có kiến nghị, kháng nghị của VKS.

Sắp đưa ra tổ chức bán đấu giá

Ngày 4-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ, cho biết phía ông Đ có khiếu nại về việc đo đạc không đúng nên cơ quan THA đã làm hai lần. Một lần tổ chức đoàn đi thực tế có cả đại diện của VKS, chấp hành viên, trung tâm đo đạc và một lần tổ chức họp liên ngành (hôm 3-11), đại diện ngành TN&MT khẳng định việc đo đạc là đúng. Cũng trong buổi họp liên ngành, đại diện VKS có ý kiến là THA đã làm đúng nghiệp vụ.

Còn việc thẩm định lại, ông Hùng cho biết đã yêu cầu chấp hành viên kiểm tra hồ sơ, việc niêm yết… phải chặt chẽ, tới lúc đưa ra bán đấu giá thì không có gì phải sợ.

“Quan điểm của cục là sẽ đưa ra tổ chức bán đấu giá để THA. Khoảng một tuần nữa sẽ thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá nếu không có kiến nghị, kháng nghị của VKS” - ông Hùng cho hay.

Về việc hồ sơ THA kéo dài, ông Hùng cho biết do hồ sơ qua nhiều chấp hành viên; phía ông Đ khiếu nại nhiều lần nên phải giải quyết khiếu nại, đã có ý kiến giải quyết của Tổng cục THA, do dịch COVID-19, cạnh đó cũng có phần do chấp hành viên hơi thận trọng.

“Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của hai cụ. Tuy nhiên, cơ quan THA cũng phải làm theo thủ tục của THA để tránh gây hậu quả về sau” - ông Hùng nói.

“Tôi mong có tiền đặng mình ăn uống thong thả một chút!”

Cụ Nguyễn Thị Vinh đang sống cùng con ở quận Cái Răng. Mấy năm nay sức khỏe cụ đã kém đi nhiều, không còn đi đâu xa được mà chỉ quanh quẩn trong nhà.

“94 tuổi rồi, sống nay chết mai, tôi mong có tiền đặng mình ăn uống thong thả một chút. Tôi có bệnh tiểu đường, huyết áp, tháng nào cũng đi lãnh thuốc, uống không hết thì đi bệnh viện” - cụ Vinh nói.

Còn cụ Nguyễn Thị Bê hiện sống cùng con gái út ở quê chồng tại Vĩnh Long. Tuy nhiên, con gái út của cụ bị khuyết tật hai chân và một bên tay nên phải ngồi xe lăn. Hai mẹ con hiện không có thu nhập gì ngoài hai khoản trợ cấp dành cho người già và người khuyết tật. Cách đây mấy năm căn nhà che mưa che nắng của mẹ con cụ xuống cấp, cụ đã cầm cố công ruộng lấy tiền sửa nhà…

Dù 84 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn lặng lẽ lê đôi chân gầy guộc đi kiếm rau về cho heo, gà ăn. Vài năm trước cụ Bê còn nuôi vịt chạy đồng để có nguồn sống. Khi ấy có sức khỏe, cụ vớt lục bình về phơi khô cho con gái út đan lục bình mướn. Giờ cụ không thể giúp con đi vớt lục bình được nên người con mua lục bình về đan. Tính ra tiền công mỗi ngày chỉ 1.000 đồng nên chị không làm nữa.

“Hồi đó, tôi khó khăn quá mới qua nói nó (người em gái phải thi hành án - PV) cho tôi xin lại cái nền nhà trước cha mẹ cho tôi để tôi bán lấy trăm triệu đồng trang trải cuộc sống mà nó không chịu. Chị Hai (cụ Vinh) thương tôi, qua nói nó mà nó cũng không chịu nên mới có việc yêu cầu chia thừa kế này. Vụ này kéo dài từ hồi ông nhà tôi còn sống, mà nay ổng cũng mất hơn chục năm rồi. Tôi mong được giải quyết mau, chứ tôi như ngọn đèn trước gió rồi. Bệnh tật, tuổi già thì cần có tiền đi nhà thương, mua thuốc men. Tôi cũng muốn có tiền chuộc lại công ruộng và có chút vốn liếng lo thân cho đứa con út khi tôi trăm tuổi” - cụ Bê nói. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới